Theo một số tài liệu lịch sử, Hoàng đế Đạo Quang có hơn 20 vị hậu phi ở hậu cung, bao gồm 4 Hoàng hậu và 19 phi tần. Trong 19 vị phi tần đó có hơn 1 nửa đã bị Hoàng đế Đạo Quang giáng chức và Hằng tần Thái Giai thị là một trong số đó.
Hằng tần Thái Giai thị có lai lịch không rõ ràng, không có ghi chép nào ghi rõ năm sinh, kỳ tịch hay gia thế của bà. Tuy nhiên, theo suy đoán của một số chuyên gia sau này, Thái Gia thị có lẽ thuộc Mãn Châu Bát kỳ.
Năm Đạo Quang thứ 14 (tức năm 1834), Thái Gia thị khi đến tuổi trưởng thành đã vào cung thông qua Tuyển tú Bát kỳ. Với dung mạo kiều diễm như hoa, bà được sơ phong làm Nghi Quý nhân. Vừa nhập cung đã được phong Quý nhân đồng nghĩa với xuất thân của Thái Gia thị không hề thấp kém.
Tuy nhiên, không hiểu vì nguyên nhân gì mà Nghi Quý nhân đã bị Hoàng đế Đạo Quang giáng 2 bậc phi vị trong vòng 4 năm, đầu tiên là giáng làm Nghi Thường tại, sau đó tiếp tục giáng làm Thái Đáp ứng và tước bỏ phong hiệu "Nghi".
Có lẽ nguyên nhân 2 lần giáng chức của Thái Giai thị khá nghiêm trọng bởi vì đến khi Hoàng đế Đạo Quang qua đời bà cũng chưa từng được phục vị. Theo suy đoán có 2 khả năng xảy ra, thứ 1 là vì tranh đấu giữa các nữ nhân hậu cung và thứ 2 là vi phạm quy định hậu cung.
Tháng Giêng năm Đạo Quang thứ 30 (tức năm 1850), sau khi Hoàng đế Hàm Phong lên ngôi, ông đã tôn phong Thái Giai thị thành Hoàng khảo Thái Thường tại. Lúc đó Thái Giai thị có lẽ đã hơn 30 tuổi, trở thành góa phụ và chuyển đến sống tại cung Thọ An.
Đến khi Hoàng đế Đồng Trị nối ngôi, Thái Giai thị được tấn phong làm Hoàng tổ Thái Quý nhân. Năm Đồng Trị thứ 11 (năm 1872), Hoàng đế Đồng Trị mắc bệnh đậu mùa, tình trạng rất nghiêm trọng.
Để cầu phúc cho Hoàng đế, Lưỡng cung Thái hậu (Từ Hi Thái hậu và Từ An Thái hậu) đã tiến hành tấn phong hậu cung. Lúc đó Thái Giai thị được tôn phong làm Hằng tần. Tuy nhiên điều này cũng không thể cứu mạng Hoàng đế Đồng Trị.
Năm Quang Tự thứ 2 (năm 1876), Thái Giai thị qua đời.
Có thể nói, Hằng tần Thái Gia thị đã sống qua 5 triều đại: Hoàng đế Gia Khánh, Hoàng đế Đạo Quang, Hoàng đế Hàm Phong, Hoàng đế Đồng Trị và Hoàng đế Quang Tự. Trong đó bà đã sống trong hậu cung từ thời Hoàng đế Đạo Quang đến thời Hoàng đế Quang Tự.
Theo Gia đình và Xã hội