Lịch sử là gì và tác dụng của nó như thế nào?
Trong sách “Sử thông”, quan sử nhà Đường tên là Lưu Tri Kỷ từng viết: “Lịch sử dùng để ghi công xét tội, biểu dương điều thiện, bài trừ cái ác, ghi lại điều hay dở của một triều đại, vinh nhục ngàn năm”. Nói cách khác, lịch sử là dùng để ghi chép công trạng và thành tích, sửa chữa lỗi lầm, phân rõ thiện ác, phân biệt tốt xấu.
Chính vì mục đích đó của lịch sử cho nên yêu cầu đối với các vị quan chép sử trong các triều đại là cần phải ghi lại lịch sử một cách chân thực.
|
(Hình minh họa: Kknews.cc). |
Trong sách “Thuyết văn giải tự” có ghi: “Sử, ký sự dã. Tòng hựu trì trung. Trung, chính dã”. Ý nghĩa là: Sử, là ghi chép sự việc xảy ra một cách kiên trì, công chính và liền mạch. Cho nên đối với các Sử quan thì yêu cầu cũng rất rõ ràng, ấy là phải trung thực, ngay thẳng không được thiên lệch. Hơn nữa, thời cổ đại còn có quy định là bậc Quân Vương thì không được phép xem sách sử của triều đại đương thời.
Sau khi Ngụy Trưng qua đời, Hoàng đế nhà Đường là Đường Thái Tông từng nói: “Mọi người dùng đồng làm gương soi, có thể giúp chỉnh tề trang phục. Lấy lịch sử làm gương, có thể quan sát thấy sự thành bại, thịnh suy của các triều đại. Lấy người làm gương soi, có thể biết rõ chỗ hay chỗ dở của mình. Ngụy Trưng qua đời, Trẫm đã mất đi một chiếc gương tuyệt hảo“.
Từ câu nói ấy, hậu thế có thể biết Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân thông qua lịch sử, ngôn luận mà thấy được những khuyết điểm, lỗi lầm trong hành vi của bản thân mình. Bởi vậy, năm Trinh Quán thứ 2, ông thiết lập ra 2 chức quan gọi là Khởi cư lang, chuyên trông coi và ghi chép những việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Năm Trinh Quán thứ 10, Chử Toại Lương con của vị học sỹ nổi tiếng trong Văn học quán của phủ Tần Vương Lý Thế Dân – Chử Lượng được nhậm chức quan Khởi cư lang, chuyên môn ghi chép từng lời nói từng việc làm của Hoàng đế Đường Thái Tông.
Quy định về ghi chép sử thời xưa
Trong cuốn “Sử quán tạp lục thượng” có ghi lại một câu chuyện giữa Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân và Chử Toại Lương như thế này:
Một ngày, Lý Thế Dân rất muốn xem “Khởi cư chú” (sách ghi chép lời nói hành vi của Hoàng đế mỗi ngày), để biết lời nói và việc làm của mình có lỗi lầm gì không, theo đó mà sửa chữa, bèn hỏi: “Khanh đã ghi chép những gì, Trẫm có thể xem được không?”.
Chử Toại Lương trả lời: “Hôm nay sở dĩ thiết lập chức quan Khởi cư lang, chính là cũng giống như 2 chức quan Tả Sử quan và Hữu Sử quan thời xưa, thiện ác đều ghi lại, để Hoàng đế không làm điều sai trái. Thần chưa từng nghe nói Hoàng đế tự mình muốn xem những điều đó”.
Hoàng đế Lý Thế Dân lại hỏi: “Trẫm nếu có chỗ nào không tốt, khanh cũng nhất định phải ghi lại sao?”.
Chử Toại Lương trả lời: “Chức vụ của thần chính là như vậy, cho nên nhất cử nhất động của Ngài đều cần phải được ghi lại hết”.
Quan Môn thị lang tên là Lưu Ký nói: “Cho dù Ngài hạ lệnh bắt Chử Toại Lương không ghi chép lại, thì người trong thiên hạ cũng sẽ ghi chép lại hết”.
Vì sao Hoàng đế không được xem sách sử đương triều?
Một lần, Hoàng đế Lý Thế Dân hỏi Tể tướng Phòng Huyền Linh: “Vì sao Quân Vương không thể được xem quốc sử?”.
Tể tướng Phòng Huyền Linh đáp: “Quốc sử xưa nay đều ghi lại hết cả điều thiện và điều ác. Vì lo lắng rằng những điều ghi chép trong quốc sử có thể sẽ xúc phạm đến Thánh ý mà bị bóp méo sự thật lịch sử, cho nên mới quy định Quân Vương không được xem sách lịch sử đương triều”.
Hoàng đế Lý Thế Dân nói:
“Nhưng mà ý nghĩ muốn xem sách sử của Trẫm so với phần lớn các bậc Quân Vương trước đây thì không giống nhau. Sách sử ghi chép chính là công trạng và thành tích của Trẫm, vậy cũng không cần đề cập đến.
Lỗi lầm của Trẫm đương nhiên có thể ghi chép vào sử sách. Trẫm chỉ hy vọng khanh nhất định nói cho Trẫm biết những lỗi lầm ấy, như vậy Trẫm mới có thể chú ý đến lời nói và việc làm của bản thân mình để không phạm phải lỗi lầm như trước nữa”.
Lịch sử của Trung Hoa sở dĩ có thể bảo tồn đầy đủ và liên tục là bởi vì thời cổ đại có rất nhiều Sử quan biên soạn lịch sử một cách công chính, ngay thẳng, sẵn sàng đón nhận hình phạt thậm chí vứt bỏ cả tính mạng của mình để bảo vệ sự thật lịch sử. Chính nhờ từ thời cổ đại đã quy định Quân Vương không thể được xem lịch sử đương triều, quan viết sử phải công chính và tôn trọng sự thật, cho nên hậu thế mới thấy được lịch sử chân thật thời cổ đại.
Đồng thời con người ngày nay cũng nhờ đó mới có thể biết được đức hạnh của các bậc thánh hiền, sự gian trá của kẻ tiểu nhân, biết được một cá nhân đối diện với vinh nhục và chỗ hay chỗ dở của mình ra sao. Cũng nhờ đó, hậu thế mới có thể thấy được những sự đổi thay, sự sáng lập và diệt vong cùng với sự thịnh và suy của các triều đại trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Theo An Hòa/Helino