Vì sao Mỹ ngừng kế hoạch tấn công Nhật Bản?

Google News

Một trong những lý do mà Mỹ không thực hiện kế hoạch tấn công Nhật Bản là: Nước Nhật đã suy yếu sau khi đội quân Quan Đông của Nhật ở Trung Quốc bị Hồng quân Liên Xô.

Ngày 7/5/1945, nước Đức phát xít đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Quân đội Anh, Mỹ bắt đầu tập trung lực lượng giải quyết chiến trường châu Á -Thái Bình Dương. Đối với họ, đây là nơi khó khăn nhất, vì quân Nhật chiến đấu liều chết, thua cũng không đầu hàng. Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ dự kiến thời gian giải quyết chiến trường này sẽ mất ít nhất 18 tháng, trong đó đã xét tới việc Liên Xô tham gia đánh Nhật theo thỏa thuận ở Yalta tháng 2/1945.

Một tốp phi công cảm tử Kamikaze.

Lúc ấy Nhật còn khoảng 7 triệu quân (chưa kể ngụy quân của các nước bị Nhật chiếm), một nửa đóng ở Trung Quốc (TQ), các nước Đông Nam Á và các đảo Nhật đã chiếm được; một nửa ở trong nước, gồm 2,25 triệu lục quân và 1,25 triệu hải quân.

Tháng 4/1945, Mỹ chiếm được đảo Okinawa, một đầu cầu quan trọng cách Nhật 540 km. Hàng nghìn máy bay Mỹ ngày ngày cất cánh từ Trung Quốc và các tàu sân bay ném bom rải thảm khắp các đô thị nước Nhật, gây sức ép tâm lý với dân Nhật. Hàng nghìn tàu chiến vây xung quanh nã pháo vào các công sự phòng ngự 4 đảo của Nhật là Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku. Nhật đã mất quyền kiểm soát trên không và trên biển, phải co vào phòng ngự.

Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ trình lên Tổng thống Truman kế hoạch tấn công Nhật Bản, gọi là Operation Downfall, do các tướng MacArthur (Tư lệnh (TL) Lục quân Thái Bình Dương), Nimitz (TL Hải quân Thái Bình Dương), King (Trưởng ban Tác chiến Bộ Hải quân), Leahy (nhà chiến lược không quân), Hap Arnold (TL Không quân) và Marshall (Tổng Tham mưu trưởng) dự thảo. Kế hoạch chia làm 2 bước, gồm chiến dịch Olympic và chiến dịch Coronet (Vòng hoa), đều mở màn bằng đợt ném bom rải thảm dài ngày của máy bay lục quân cất cánh từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Chiến dịch Olympic dự kiến bắt đầu ngày 1/11, sử dụng 11 sư đoàn lục quân và 3 sư đoàn lính thủy đánh bộ, dùng tàu chở quân dưới sự yểm hộ của hải quân và không quân đổ bộ lên chiếm vùng cực nam đảo Kyushu (đảo nhỏ thứ 3, chiếm 11% diện tích nước Nhật), xây dựng nhiều sân bay dã chiến ở đây để máy bay xuất kích, ném bom quy mô lớn phía bắc Kyushu và đảo Honshu (đảo lớn nhất Nhật), gây sức ép buộc Nhật đầu hàng.

Sau chiến dịch Olympic, nếu Nhật vẫn không hàng thì chuyển sang chiến dịch Coronet, tấn công đảo Honshu để kết thúc chiến tranh. Chiến dịch dự kiến bắt đầu vào ngày 1/3/1946, ngày hoàn thành phụ thuộc vào tình hình diễn biến thực tế. Chiến dịch Coronet sẽ sử dụng 12 sư đoàn bộ binh và 3 sư đoàn lính thủy đánh bộ.

Vấn đề quan trọng nhất, đau đầu nhất được tính đến trước khi đánh vào Nhật là dự kiến số thương vong của phía Mỹ. Dự kiến chiến dịch Olympic thương vong 456.000 người, trong đó chết 109.000; chiến dịch Coronet thương vong 1,2 triệu người, chết 267.000. Đây chỉ là dự kiến tối thiểu, vì chưa lường hết khả năng lợi hại của cách đánh tự sát của quân Nhật, chưa đánh giá được khả năng chiến đấu của ngót 100 triệu thường dân Nhật.

Không giống người Đức, quân Nhật không bao giờ đầu hàng. Chưa từng có người Nhật nào tỏ ý chống lại Thiên hoàng Nhật Bản. Thiên hoàng được toàn dân Nhật coi là thần thánh chứ không phải người thường. Lính Nhật khi xung phong đều hô: “Thiên hoàng vạn tuế!”. Trận Okinawa, 3 sư đoàn Nhật trên đảo đã cùng dân chống lại cuộc tấn công của Mỹ đông gấp 3 lần về quân số và hàng chục lần về trang bị, cầm cự được hơn 100 ngày mới chịu thua.

Gần 200.000 người Nhật (cả quân và dân) đã chết, số còn lại hầu hết đều tự sát, Mỹ chỉ bắt được 8.000 lính, đều là thương binh. 4.000 dân vào rừng đánh du kích. Thương vong phía Mỹ là hơn 70.000 người, riêng chết hơn 12.000. 2.000 máy bay Nhật đánh theo kiểu tự sát, đánh chìm 13 tàu khu trục Mỹ, đánh bị thương gần 400 tàu, bắn rơi 800 máy bay Mỹ. Trận đảo Saipan, hơn 3.000 lính Nhật đánh đến người cuối cùng, thương binh nổ lựu đạn tự sát. Lính Nhật còn động viên thường dân trên đảo nhảy từ vách núi cao xuống biển tự tử.

Lúc ấy Nhật đã chuẩn bị một lực lượng chiến đấu tự sát đáng kể. Ngoài 5.500 máy bay cảm tử Kamikaze, còn có nhiều vũ khí khác. Lính Mỹ sợ nhất là tàu ngầm “bỏ túi” kiểu Koryud do 5 người điều khiển, có thể chạy dưới nước 40 phút ở vận tốc 16 hải lý hoặc 50 giờ ở vận tốc 2,5 hải lý, mang theo 2 ngư lôi hoặc chở đầy thuốc nổ lao vào tàu địch. Mỗi tháng Nhật sản xuất được 180 chiếc Koryud.

Nhật còn định chế tạo tàu ngầm Kairyu 2 người điều khiển, lắp 2 ngư lôi hoặc chở đầy bộc phá. Ngoài ra còn có 650 “ngư lôi sống”, mỗi ngư lôi phóng từ tàu ngầm ra có một người lái đâm vào tàu địch. Số “ngư lôi sống” sẽ tăng lên 4.000. Các vũ khí tự sát này chủ yếu để tấn công tàu chở quân Mỹ đổ bộ.

Ngoài ra, phía Mỹ không thể không xét đến một tình hình đặc biệt là Nhật có thể trả thù việc tấn công lên đất Nhật bằng cách tàn sát tù binh và thường dân các nước Đồng minh, hoặc dùng họ làm bia đỡ đạn.

Đại tướng Suzuki nhậm chức Thủ tướng đầu tháng 4/1945 tuyên bố ngay với mọi người: “Nếu tôi hy sinh, xin chư vị băng qua xác tôi mà tiến lên!”. Sau khi Đức đầu hàng, tháng 6, Chính phủ Nhật họp vẫn quyết định chiến đấu đến người cuối cùng trong trận “bản thổ quyết chiến” và tin rằng Mỹ sẽ thua vì thương vong vô cùng nặng nề, Nhật có thể phản công thắng lợi.

Vi sao My ngung ke hoach tan cong Nhat Ban?-Hinh-2
 

Ngày 26/7, Tuyên ngôn Potsdam được công bố trên toàn thế giới, đòi Chính phủ Nhật phải lập tức đầu hàng không điều kiện và cảnh cáo: bất cứ sự lựa chọn nào khác đều chỉ có thể dẫn đến sự hủy diệt nhanh chóng và toàn diện của nước Nhật. Thế nhưng ngày 28/7, Thủ tướng Nhật Suzuki Kantaro vẫn nói: Chính phủ Nhật sẽ chiến đấu đến cùng. Bộ trưởng Lục quân Anami ra “Thông cáo gửi tướng sĩ toàn quân” kêu gọi: “Thề quyết bảo vệ đất thiêng này, chiến đấu đến cùng, dù cho núi sông cây cỏ tan tành, hãy tin là từ chỗ chết sẽ tìm được đường sống".

Tình hình chính sự tiếp tục có những diễn biến mau lẹ, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Kế hoạch chiến dịch Olympic và Coronet đã không diễn ra.

Tuy nhiên, trước đó, khi đội quân Quan Đông của Nhật ở Trung Quốc bị Hồng quân Liên Xô đánh tan thì về cơ bản, số phận của quân đội Nhật đã được định đoạt. Việc Mỹ ném bom nguyên tử không phải là để nhằm thay đổi cục diện chiến trường mà là đòn “răn đe”. Nhật quyết định đầu hàng...

Theo Thanh Giang An Ninh/Thế Giới