Vì sao phi công Đức từng oanh tạc London lại sợ ném bom xuống Moskva?

Google News

Theo lời các phi công Đức, những cuộc oanh kích Moskva nguy hiểm hơn nhiều so với Luân Đôn. Nhiều phi công tham gia oanh tạc Moskva, trước đó cũng đã từng ném bom xuống thủ đô nước Anh năm 1940.

Trận oanh kích đầu tiên xuống Moskva

Theo số liệu của Liên Xô, tham gia trận oanh kích đầu tiên xuống Moskva vào rạng sáng 22/7/1941 có khoảng 220 đến 250 máy bay ném bom của Đức Quốc xã, 10 chiếc trong số đó bị pháo cao xạ của Liên Xô bắn rơi và 12 chiếc bị máy bay tiêm kích tiêu diệt.

Trong khi đó, theo Bản thông cáo tác chiến số 01 của Ban tham mưu Quân đoàn không quân số 6, đến 7 giờ sáng ngày 22/7/1941, số máy bay của không quân Đức tham gia ném bom Moskva được xác định lên tới 150 chiếc loại Ju-88, Do-215 vàDo-217.

Vi sao phi cong Duc tung oanh tac London lai so nem bom xuong Moskva?

Pháo phòng không bảo vệ bầu trời Moskva. Nguồn: russian7.ru.

Bộ chỉ huy quân sự Đức thực sự đã lên kế hoạch và chuẩn bị cho đợt không kích tập trung vào thủ đô của Liên Xô. Để làm được việc đó, quân phát xít huy động toàn bộ nguồn lực hiện có. Từ nước Pháp, chúng điều bổ sung thêm 6 nhóm phi cơ. Cuộc oanh tạc đầu tiên cần có sự tham gia của phi đoàn 53 đơn vị không quân số 2 và hai nhóm của phi đoàn 55 đơn vị không quân số 4. Tất cả đều sử dụng máy bay ném bom HeinkelHe 111 của Đức. Các nhóm của phi đoàn 3 trên máy bayJu-88 và Do-17 cũng được lấy từ đơn vị không quân số 2.

Dẫn đường cho oanh tạc cơ vào ban đêm tiến đánh Moskva là các máy bay của phi đoàn 100. Những máy bay này được trang bị hệ thống dẫn đường vô tuyến. Tổng cộng có 10 đến 12 chiếc, chúng thực hiện vai trò chỉ huy và tuân thủ nghiêm ngặt hướng bay đã định. Ngay cả khi đang oanh kích hoặc nếu rơi vào hỏa lực mạnh của pháo cao xạ, thì các phi công cũng không được phép bẻ lái sang hướng khác. Toàn bộ có 195 máy bay được phát xít Đức chuẩn bị để tham gia chiến dịch này.

Cuốn sách “1941. Cuộc chiến trên không. Những bài học cay đắng” của tác giả D.B. Khazan dẫn nguồn tài liệu Đức cho biết, tổn thất của không quân Đức Quốc xã trong trận tập kích này là mất 6 – 7 máy bay, bao gồm cả những chiếc bị tai nạn khi hạ cánh.

Khủng khiếp hơn oanh kích Luân Đôn

Theo lời kể lại của các phi công Đức, những cuộc oanh kích trên bầu trời Moskva là nguy hiểm hơn nhiều so với ở Luân Đôn. Nhiều phi công tham gia oanh tạc Moskva, trước đó cũng đã từng ném bom xuống cả thủ đô nước Anh năm 1940.

Sở dĩ như vậy là vì, hệ thống phòng thủ ở Luân Đôn chỉ có 328 khẩu pháo cỡ nòng 76-94 mm, 124 pháo tự động cỡ nòng 40 mm và hơn 300 máy bay tiêm kích. Trong khi đó, tham gia bảo vệ bầu trời Moskva đến thời điểm quân Đức oanh kích lần đầu có 602 máy bay tiêm kích, 1044 pháo phòng không, 336 dàn súng máy cao xạ, 1042 đèn chiếu tầm cao và 124 khí cầu cản máy bay.

Đóng vai trò quan trọng trong trận bảo vệ Luân Đôn là các trạm vô tuyến định vị của Anh. Còn trong trận bảo vệ Moskva, không hề có trạm vô tuyến định vị, thậm chí cũng không có thiết bị dò âm nào đơn giản nhất có thể gây nguy hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, mật độ hỏa lực bắn chặn lại rất cao, khiến đa số các máy bay Đức ngay lập tức bị bắn khi bay vào. Mặc dù hiệu quả hỏa lực của pháo cao xạ rất thấp, gần 20.000 quả đạn pháo mới bắn hạ được một máy bay địch, nhưng hệ thống phòng không của Liên Xô vẫn đảm bảo được hỏa lực bắn chặn dồn dập.

Trong trận oanh kích đầu tiên đó của không quân Đức cũng đã xuất hiện một bất ngờ khác. Đó là các khí cầu cản máy bay không bay được lên quá 2.000 mét trên bầu trời Luân Đôn, nhưng lại chặn được máy bay Đức ở độ cao 4.000 – 4.500 mét trên bầu trời Moskva.

Liên tiếp những trận oanh kích mới

Sau trận oanh kích đầu tiên là liên tiếp những đợt oanh kích mới do quân phát xít Đức tiến hành. Ngay đêm hôm sau, trên bầu trời Moskva xuất hiện 125 phi cơ địch bay đến ném bom, còn rạng sáng này 24/7/1941 là 100 chiếc.

Trận oanh kích ngày 25/7 của không quân Đức bị thất bại do các nguyên nhân mang tính tổ chức-kỹ thuật. Khi đó chỉ có 3 máy bay xuất kích ném bom. Tuy nhiên, ngay đêm hôm sau thì có tới 65 phi cơ địch bay vào oanh tạc Moskva.

Bộ tư lệnh không quân Liên Xô buộc phải điều máy bay đến Moskva, do cần giải quyết cả những nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng bộ binh. Ban đầu, những máy bay này được điều đến với kỳ vọng phần nhiều sẽ tạo ra hiệu ứng về mặt tâm lý.

Toàn bộ những trận oanh kích sau đó được tiến hành bởi các phi đội từ 6 đến 10 máy bay. Trận ném bom lớn cuối cùng xuống Moskva diễn ra vào rạng sáng ngày 11/8/1941 với sự tham gia của 83 phi cơ.

Đáng chú ý, giữa số lượng máy bay và mức độ thiệt hại là không có mối liên quan trực tiếp với nhau, bởi điều quan trọng hơn là bao nhiêu máy bay có thể xâm nhập được vào thành phố. Như vậy, tham gia trận oanh kích Moskva ngày 12/8/1941 có 30 máy bay, nhưng điều khiển máy bay là những phi công dày dặn kinh nghiệm nhất, sử dụng những quả bom nặng 1000 kg, thì mới gây được thiệt hại lớn cho thủ đô của Liên Xô.

Cả mùa hè năm 1941, đã diễn ra tổng cộng 18 vụ oanh kích. Đến cuối năm 1941 thêm 79 vụ nữa, trong đó 9 vụ có sự tham gia của hơn 50 máy bay, còn 48 vụ khác tham gia không quá 10 chiếc. Theo số liệu của Liên Xô, quân Đức Quốc xã đã thực hiện tổng cộng 122 vụ oanh kích xuống Moskva trong khoảng thời gian đó.

Theo Quốc Khánh/Quân đội nhân dân