1. Tôn Điện Anh
Tôn Điện Anh sinh năm 1889, tại Tôn Gia Trang, ¢huyện Vĩnh Thành, Hà Nam. Tên thật là Khôi Nguyên, nhũ danh là Kim Quý, thường gọi là Tôn Lão Điện, do mặt bị rỗ nên có biệt danh là "Tôn Ma tử".
Từ nhỏ, Tôn đã lăn lộn giang hồ, tính gan góc, máu mê đỏ đen, thường xuyên ra vào các sòng bạc, nhờ giỏi các ngón nghề cờ bạc bịp mà quen biết rộng rãi với nhiều tay có máu mặt.
Nhờ các mối quan hệ cũ, Tôn được Quân đoàn trưởng Lục quân số 1 ở Hà Nam là Đinh Hương Linh che chở và cất nhắc lên làm phó quan. Tôn kêu gọi giáo đồ Miếu Đạo hội về tòng quân dưới trướng mình, dần dần trở nên rất có thế lực trong giới quân phiệt, quy thuộc Tưởng Giới Thạch.
Năm 1928 là năm các tướng quân phiệt hỗn chiến dữ dội, dân chúng đói khổ, quốc khố sạch không. Quan binh bộ tướng của Tôn Điện Anh lại là lính tạp, vốn không thuộc quân chính quy của Quốc dân đảng nên Tưởng Giới Thạch không coi trọng, quân lương bị thiếu triền miên, có đến nửa năm không có lương ăn. Vì thế lòng quân rối loạn, thường xảy ra nhiều chuyện bất bình.
Tôn Điện Anh lo sợ nếu kéo dài tình thế này thì quân tan rã hết, còn mình cũng khó giữ được tính mạng trong buổi chiến loạn. Trong lúc tình thế nguy cấp, Tôn Điện Anh như bừng tỉnh khi sực nhớ đến loại "thuốc giải" mà các tiền bối nổi tiếng như Tào Tháo, Hoàng Sào đã làm: Đào lăng mộ tìm châu báu.
|
Ảnh minh họa. |
2. Trộm vụ Từ Hi Thái Hậu và Vua Càn Long
Tháng 7/1928, tên mộ tặc này đã gây ra 1 vụ trộm mộ gây chấn động toàn Trung Quốc lúc bấy giờ: Dùng thuốc nổ phá hủy Đông Lăng nhà Thanh để cướp sạch đi những vàng bạc châu báu trong khu vực này. Trong đó, mộ phần của hoàng đế Càn Long và Từ Hi thái hậu bị bè lũ Tôn Điện Anh phá hủy nặng nề nhất. Bởi mộ phần 2 người này chứa rất nhiều châu báu quý giá.
Riêng lăng mộ của Từ Hy Thái hậu từng mất 13 năm xây dựng với hao phí lên tới hàng triệu vạn lượng bạc, được xưng là "Kim-Mộc-Thạch tam tuyệt". Riêng số vàng lá dùng đắp trong ba đại điện của Từ lăng đã là 4.592 lượng vàng. Tổng cộng có 2.400 con rồng vàng và 64 chiếc cột chạm trổ hình rồng, dơi đều thếp vàng thật.
Những rường cột trong đại điện đều làm bằng loại gỗ thượng phẩm: Gỗ lê hoa vàng. Loại gỗ này nay đã gần như tuyệt tích, rất rắn chắc, vân gỗ dày mà đẹp, giá có thể nói là "tấc gỗ, tấc vàng". Riêng quan tài của Từ Hy được chế từ thứ gỗ quý hơn nữa: Nam mộc tơ vàng.
Tất cả đá dùng trong lăng mộ Từ Hy đều là loại Hán bạch ngọc thượng phẩm, được điêu khắc cực kỳ tinh xảo. Phù điêu trên Hán bạch ngọc trong điện Long Ân đều theo đồ hình "Long truy phụng" - phụng hoàng bay trước, rồng đuổi theo sau, 76 trụ trong điện đều chạm hình "Nhất phụng áp song long" - hai phụng đè một rồng, thể hiện quyền uy vô thượng của vị thái hậu này.
Được biết, sau khi dọn sạch châu báu vàng ngọc xung quanh quan tài Từ Hy và đồ tùy táng trong "giếng phong thủy", binh lính của Tôn Điện Anh dùng búa nạy tung quan tài Từ Hy ra và hốt sạch sẽ số châu báu lót bên trong.
Về vua Càn Long, số châu báu bên trong mộ thậm chí còn không bằng 1/3 của lăng Từ Hi, thứ được đánh giá đáng tiền nhất trong lăng mộ vị vua này là những bức thư họa nổi tiếng đến từ những nhân vật như: Đường Bá Hổ, Vương Hi Chi,...
Đương nhiên, trong mắt của 1 tên trộm mộ không có đầu óc nghệ thuật như Tôn Điện Anh, những sản phẩm nghệ thuật này chỉ đơn giản là 1 đống giấy lộn, không đáng 1 xu. Sau khi ‘khuấy đảo’ Dụ Lăng của Càn Long, đám mộ tặc thậm chí còn ra tay với chính thi thể chủ chủ nhân lăng mộ này. Chúng kéo thi thể Càn Long ra ngoài, và bắt đầu 1 chuỗi hành động kì lạ là nhổ hết răng của thi thể.
Theo lời kể của 1 bính lính cùng tham gia vào trận càn quét Đông Lăng năm đó cùng Tôn Điện Anh, nguyên nhân chúng làm vậy để lấy ra 1 viên ngọc Tây Tạng được giấu kín trong miệng của hoàng đế Càn Long. Viên ngọc này có thể giúp thi thể chứa nó không bị thối rữa.
Khung cảnh chúng ra sức lấy viên ngọc được đặc tả lại vô cùng kinh khủng: 1 tên giữ đầu thi thể, 2 tên dùng sức nắm chặt bím tóc, sức nắm mạnh đến nỗi làm cho tóc của vua Càn Long bị văng ra khỏi đầu. Thật sự là không có từ ngữ nào lột tả được hết sự hung hăng, tàn bạo của bè lũ trộm mộ Tôn Điện Anh.
Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, những hành động này của bè lũ trộm mộ đã truyền ra và gây chấn động toàn Trung Quốc. Vì để thoát tội, Tôn Điện Anh đã đem tặng hết những báu vật giá trị mà hắn trộm được, bỏ của chạy lấy người.
Theo Sở hữu trí tuệ