Cháy rừng được Cục Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency - EPA) Mỹ phân loại là thảm họa tự nhiên - nhiều vụ cháy rừng xảy ra do sét đánh, mặc dù phần lớn là do con người gây ra. Theo các nhà bảo vệ môi trường, 99% các vụ cháy rừng là do hành động của con người, cố ý hoặc vô tình, trong đó, khoảng 85% các vụ được ghi nhận là kết quả của sự bất cẩn - do người cắm trại, sự cố đường dây điện, tàn thuốc lá hoặc do hỏng hóc thiết bị.
Một trong những vụ cháy rừng gần đây và có sức tàn phá lớn nhất, với kỷ lục 73.000 đám cháy nhỏ đã được phát hiện tại rừng nhiệt đới Amazon trong năm 2019. Khu rừng nhiệt đới, nơi đóng góp gần 20% lượng oxy trên Trái Đất, đã bị đốt cháy trong hơn nửa tháng, gây mất mát lớn về đa dạng sinh học.
Mặc dù cháy rừng thường xảy ra ở Amazon vào mùa khô do thời tiết cực kỳ khô hạn, nhưng đám cháy năm 2019 lớn hơn 83% so với đám cháy năm 2018. Nhiều thành phố Brazil đã chìm vào bóng tối đột ngột do màn khói mù mịt bao trùm không gian, ngay cả cơn mưa trút xuống cũng đậm mùi khói.
Cháy rừng Bandipur (2019)
Tháng 2/2019, các đám cháy rừng lớn đã bùng phát ở nhiều nơi trên khắp Vườn quốc gia Bandipur của bang Karnataka (Ấn Độ). Ước tính có khoảng 10.920 mẫu Anh đã bị cháy trong 5 ngày. Đám cháy cũng lan sang dãy rừng Mudumalai ở Tamil Nadu, gây thiệt hại khoảng 40 mẫu Anh.
Quan chức Lâm nghiệp bang Karnataka xác nhận một “hành động phá hoại” đã gây ra vụ cháy. Cơ quan chức năng đã bắt giữ hai người chăn cừu vì cáo buộc đốt rừng khi hai người này sợ hổ sẽ tấn công gia súc nên đã châm lửa để đuổi một con hổ đi.
Cháy trại Camp Creek (2018)
Đây là trận cháy rừng tàn khốc nhất trong lịch sử California và là thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trên thế giới trong năm đó. Ngọn lửa bùng phát do lỗi một đường dây tải điện và một cơn gió thổi theo hướng đông xuống chân đồi. Được đặt tên theo Đường Camp Creek - nơi khởi phát, đám cháy bắt đầu vào ngày 8/11/2018, tại quận Butte (Bắc California).
Với sự xuất hiện của cơn mưa mùa đông đầu tiên trong mùa, đám cháy đã bị ngăn chặn 100% vào ngày 25/11/2018, sau 17 ngày hoành hành. Đám cháy thiêu rụi diện tích 153.336 mẫu Anh và phá hủy 18.804 cấu trúc, với hầu hết thiệt hại xảy ra trong vòng bốn giờ đầu tiến. Đến tháng 1/2019, tổng thiệt hại ước tính khoảng 16,5 tỷ USD.
Cháy rừng Uttarakhand (2016)
Năm 2016, Ấn Độ đã chứng kiến một trong những trận cháy rừng tồi tệ nhất - đám cháy rừng Uttarakhand, thiêu rụi các khu rừng thông ở sườn khu vực cận Himalaya, tạo ra những đám khói lớn. Lực lượng Ứng phó Thảm họa Quốc gia và máy bay trực thăng Mi-17 của Không quân Ấn Độ đã sử dụng nước để dập lửa.
Cơ quan lâm nghiệp ước tính 3.500 ha (8.600 mẫu Anh) rừng đã bị cháy. Gần 1.600 đám cháy lẻ được phát hiện đã được kiểm soát tính đến ngày 2/5. Những cơn mưa ngày 3/5 đã giúp giảm thiểu tác động của đám cháy.
Trận cháy rừng ngày thứ bảy đen (2009)
Có tới 400 bụi cây đã bị cháy trên khắp Victoria (Australia) bắt đầu từ ngày 7/2 đến ngày 14/3/2009. Sau khi khói tan, khoảng 173 người đã thiệt mạng và 414 người bị thương, cùng với hàng ngàn động vật hoang dã bị chết.
Hơn 1,1 triệu mẫu Anh đã bị đốt cháy và 3.500 công trình tại hàng chục thị trấn bị thiêu hủy. Nguyên nhân chính của vụ cháy là do đường dây điện bị chập mạch rơi xuống và đốt cháy cỏ khô.
Cháy rừng Hy Lạp (2007)
Một loạt các vụ cháy rừng lớn ở Hy Lạp từ ngày 28/6 đến ngày 3/9/2007 đã càn quét khoảng 670.000 mẫu đất và giết chết 84 người; hơn 3.000 điểm cháy đã xảy ra do sự đốt phá và sự bất cẩn của con người cùng với điều kiện nóng, khô và gió thổi mạnh.
Khoảng 2.100 cấu trúc, trong đó có 1.000 ngôi nhà và 1.100 tòa nhà khác đã bị hư hại trong trận hỏa hoạn và ngọn lửa bùng cháy rất nguy hiểm gần các di tích lịch sử như Olympia và Athens.
Cháy rừng Indonesia (1997)
Đám cháy rừng năm 1997 ở Indonesia đã lan rộng, tạo ra những đám khói dày đặc và mù mịt khắp đất nước và các nước láng giềng bao gồm Malaysia và Singapore. Cơ quan cứu hỏa và cứu hộ Malaysia đã cử một đội lính cứu hỏa với mật danh Chiến dịch Haze tới Indonesia để giảm thiểu tác động của đám cháy đối với nền kinh tế Malaysia.
Những cơn mưa trái mùa vào đầu tháng 12 mang lại thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, nhưng ngay sau đó, tình trạng khô hạn và hỏa hoạn trở lại. Khoảng 8 triệu ha đất rừng bị cháy và hàng triệu người phải hứng chịu ô nhiễm không khí.
Trận Đại hỏa hoạn năm 1910
Trận Đại hỏa hoạn mùa hè năm 1910 là một trận cháy rừng ở miền Tây Mỹ thiêu rụi 3 triệu mẫu Anh ở Bắc Idaho và Tây Montana, phần mở rộng của Đông Washington và Đông Nam British Columbia. Do gió, ngọn lửa bùng cháy vào cuối tuần từ ngày 20 - 21/8 đã khiến nhiều đám cháy nhỏ kết hợp thành một cơn bão lửa lớn chưa từng có.
Trận Đại hỏa hoạn này đã giết chết 87 người, hầu hết là lính cứu hỏa, và phá hủy hơn 3 triệu mẫu rừng. Đám cháy thường được coi là một động lực đáng kể trong việc phát triển các biện pháp ngăn chặn và dập tắt cháy rừng sớm.
Cháy lớn ở Chicago (1871)
Vụ cháy lớn ở Chicago xảy ra từ ngày 8 - 10/10/1871 đã giết chết khoảng 300 người và phá hủy khoảng 3,3 dặm vuông của thành phố, khiến khoảng 1.000 cư dân mất nhà cửa. Vụ cháy gây ra do điều kiện nắng nóng, khô hạn, gió nhiều, các công trình xây dựng bằng gỗ trên địa bàn thành phố.
Sau vụ hỏa hoạn, chính quyền thành phố đã cải tiến quy chuẩn xây dựng để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của các đám cháy trong tương lai và đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn. Vương quốc Anh đã quyên góp để sửa chữa Thư viện Công cộng Chicago.
Cháy ở Miramichi (1825)
Hỏa hoạn Miramichi đã tạo ra một trận bão lửa vào tháng 10/1825 tại Maine và tỉnh New Brunswick của Canada. Nó đã tàn phá khoảng 3 triệu mẫu Anh và giết chết ít nhất 160 người; kkoảng 15.000 người mất nhà cửa.
Hiện chưa rõ nguyên nhân của vụ cháy, nhưng thời tiết nắng nóng kết hợp với hỏa hoạn do những người định cư sử dụng có thể đã góp phần gây ra thảm họa. Đám cháy ước tính đã thiêu rụi khoảng 1/5 khu rừng ở New Brunswick.