1. Cây trinh nữ
Cây trinh nữ hay còn gọi là cây xấu hổ, mắc cỡ, cây thẹn, hàm tu thảo, cỏ trinh nữ (danh pháp khoa học: Mimosa pudica L.) là loại cây có khả năng tự "thu gọn" người lại khi gặp tác động từ bên ngoài. Theo các nhà khoa học, khả năng này có liên quan tới "tác dụng sức căng" của lá xấu hổ. Ở cuối cuống lá có một mô tế bào mỏng gọi là bọng lá, bên trong chứa đầy nước. Khi bị chạm vào, lá bị chấn động, nước trong tế bào bọng lá lập tức dồn lên hai bên phía trên. Thế là phần dưới bọng lá xẹp xuống như quả bóng xì hơi, còn phía trên lại như quả bóng bơm căng. Điều đó làm cuống lá sụp xuống, khép lại. Khi một lá khép lại, nó sẽ đưa tín hiệu lan rộng đến các lá khác, khiến chúng cũng lần lượt khép lại. Nhưng chỉ ít phút sau, bộ phận dưới bọng lá lại dần đầy nước, lá lại xoè ra nguyên dạng như cũ.
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học tại University of Western Australia cho thấy rằng cây trinh nữ còn có khả năng ghi nhớ sự việc đã xảy ra như động vật.
2. Cây vẹt đen
Cây vẹt đen (tên khoa học là Bruguiera sexangula) là một loài thực vật có hoa trong họ Rhizophoraceae. Loài này được (Lour.) Poir. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1816. Không chỉ là loài thực vật thân gỗ, cây vẹt đen còn khiến các nhà khoa học phải ngạc nhiên bởi khả năng sinh và nuôi "con" như động vật.
Về cơ bản, cây vẹt đen cũng duy trì nòi như những loài thực vật khác, chúng ra hoa, truyền phấn, thụ phấn để tạo nên hạt giống. Tuy nhiên, trong khi hạt giống của các loài thực vật khác tách ra khỏi cơ thể mẹ, rơi xuống đất, sau đó tự hấp thụ chất dinh dưỡng và bén rễ, nảy mầm thành cây con thì hạt giống của cây vẹt đen lại nảy mầm thành cây con ngay trên thân của cây mẹ. Cho tới khi nó phát triển và có khả năng sống độc lập thì những cây vẹt đen non mới tách khỏi cây mẹ, cắm rễ xuống lớp bùn để phát triển thành cây con. Đặc điểm này khá giống với hình thức sinh sản của động vật là thụ tinh, mang thai, sinh con, các bà mẹ sẽ chăm sóc những đứa con của mình cho đến khi chúng đủ khả năng sinh sống độc lập mới để chúng rời đi.
3. Cây bao báp
Cây bao báp là loại cây thân gỗ rất đặc biệt, có nguồn gốc từ châu Phi và Australia. Cây bao báp cao từ 5 đến 30m và đường kính có thể lên đến 50m. Cây có thể sống trong các loại điều kiện khí hậu khác nhau đặc biệt là những nơi khí hậu khô cằn và khắc nghiệt.
Cây bao báp được các nhà khoa học chú ý vì có khả năng trữ nước bên trong thân cây phình to. Dung tích nước bên trong thân cây có thể lên tới 120.000 lít nước. Sở dĩ cây chứa được nhiều nước như vậy là để đảm bảo tồn tại trong các điều kiện khô cằn cao cụ thể trong từng khu vực.
Ngoài ra, tuổi thọ của cây bao báp thuộc những loài cây có tuổi thọ lâu đời nhất trên Trái đất. Một số cây được coi là đã sống hàng ngàn năm, tuy nhiên do gỗ của chúng không sinh ra các vòng tăng trưởng hàng năm nên rất khó để kiểm chứng điều này. Ngày nay nhờ phương pháp carbon phóng xạ, người ta có thể xác định rằng phần lớn cây bao báp chỉ được vài trăm tuổi và cây già nhất thì được 2.000 tuổi.
4. Cây nắp ấm mini
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, cây nắp ấm mini còn có khả năng chủ động di chuyển phần nắp để bẫy con mồi. Cây nắp ấm mini (tên khoa học là Nepenthes gracilis) là loại cây thường sống trong môi trường ẩm ướt, đặc biệt là khu vực rừng nhiệt đới ẩm ở Đông Nam Á. Cây nắp ấm gồm 2 phần, phần "ấm" có hình thon dài, chứa dịch tiêu hóa để hóa lỏng những con sâu bọ bị lọt vào bẫy. Trong khi đó, phần "nắp" ở phía trên có tác dụng che đậy cho phần "ấm" không bị ngấm nước mưa, tránh làm loãng axit. Con mồi khi bị rơi trong ấm sẽ hòa tan thành dinh dưỡng nuôi sống cây.
Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng phần nắp chỉ có tác dụng bảo vệ phần ấm. Nhưng sau đó, họ đã sử dụng máy ảnh tốc độ cao cùng các thiết bị laser để quan sát và phát hiện ra rằng phần nắp cũng có thể bẫy con mồi. Cụ thể, phần nắp của cây nắp ấm hoạt động giống như bàn đạp. Khi trời mưa, chúng liên tục xoay lên xuống sao cho hạt mưa đập vào phần nắp khiến côn trùng rơi xuống dưới phần ấm.
5. Cây mù tạt
Cây mù tạt hay mù tạc, là một loài thực vật thuộc chi Brassica và Sinapis, họ Cải (Brassicaceae). Cây mù tạt thường sản sinh một chất hóa học để thu hút những con ong bắp cày ký sinh tới gần giúp chúng tiêu diệt các con sâu bướm có ý định ăn lá cây. Nguyên nhân là bởi cây mù tạt thường bị các con sâu bướm ăn lá. Do đó, lá cây khi vừa xuất hiện trứng sâu bướm, chúng sẽ lập tức kích hoạt cơ chế tự vệ này.
Ngoài ra, vào năm 2014, các nhà khoa học Anh đã xác định được rằng cây mù tạt trắng có thể hạn chế sự hủy diệt của vũ khí hóa học. Những kiểm nghiệm cho thấy cây mù tạt trồng trong đất bị ô nhiễm bởi chất độc thần kinh VX, hấp thụ chất độc này qua rễ cây và giữ lại trong ít nhất là 45 ngày. Phát hiện này cho thấy khả năng sử dụng cây mù tạt trong khử ô nhiễm đất trồng sau chiến tranh hóa học.
*Bài viết được tổng hợp từ Scienceinfo, The Guardian.
Theo Nguyệt Phạm / Báo Tổ Quốc