Bão Mặt Trời mạnh nhất trong 6 năm ập tới

Google News

Cơn Bão Mặt Trời mạnh nhất trong gần 6 năm qua đã ập xuống Trái Đất từ tối 24/3 và khiến các nhà dự báo thời tiết không gian bất ngờ vì cường độ của nó.

Bao Mat Troi manh nhat trong 6 nam ap toi

NOAA cảnh báo Bão Mặt Trời cấp độ G4 vào ngày 24/3. Ảnh: NOAA.

Theo Space, cơn bão địa từ xuất hiện từ ngày 23/3, đạt đỉnh là G4 trên thang điểm 5 ở mức độ nghiêm trọng. Đây là chỉ số do Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết trong không gian.

Được biết, NOAA ban đầu đã dự đoán cơn bão địa từ này có thể kéo dài từ ngày 23 - 25/3, với các điều kiện tương đương với cơn bão G2 có thể xảy ra vào ngày 24/3.

Tuy nhiên đến chiều ngày 24/3 (theo giờ Việt Nam), NOAA cập nhật trên trang chủ, nâng mức cảnh báo của cơn bão lên cấp G4 - cấp đặc biệt dữ dội. Diễn biến bất thường này đã khiến các nhà dự báo hoàn toàn bất ngờ khi một cơn bão cấp có cường độ cao ập tới.

"Những cơn Bão Mặt Trời gần như vô hình này khởi động chậm hơn nhiều so với các sự kiện phun trào (CME) và rất khó quan sát", bà Tamitha Skov - chuyên gia dự báo thời tiết không gian của Mỹ giải thích lý do vì sao cộng đồng dự báo sai về cơn bão mới nhất này.

"Đây là lý do tại sao chúng mang theo nhiều sự phức tạp, giống như cơn bão cấp G4 mà chúng ta đang gặp phải hiện nay".

Bao Mat Troi manh nhat trong 6 nam ap toi-Hinh-2

Cực quang xuất hiện ở khu vực miệng núi lửa Holleford, nằm tại Thị trấn South Frontenac, phía nam Ontario, Canada. Ảnh: Adam Correia/Space.

Sự dữ dội bất thường của cơn bão không chỉ khiến cực quang xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, mà nó còn buộc một số công ty hàng không vũ trụ phải trì hoãn các sứ mệnh vụ phóng vệ tinh.

Bão Mặt Trời, hay bão địa từ, là sự xáo trộn đối với từ trường của Trái Đất do dòng hạt mang điện phóng ra từ các vụ phun trào trên Mặt Trời (CME). Trên một số hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, nhất là các hành tinh có từ quyển, gồm: Sao Thổ, Sao Thủy, Sao Hải Vương, Sao Mộc, Sao Thiên Vương... cũng có hiện tượng tương tự.

Mặc dù có ít tác động đến đời sống hàng ngày, song các cơn bão địa từ cường độ cao có thể gây rắc rối cho các chuyến bay vũ trụ vì chúng làm tăng mật độ trong tầng khí quyển phía trên của Trái Đất. Điều này góp phần làm tăng lực cản đối với vệ tinh và các tàu vũ trụ khác.

Vào tháng 2/2022, SpaceX đã mất 40 vệ tinh Starlink mới phóng khi chúng không đạt được quỹ đạo cần thiết do ảnh hưởng từ một cơn bão địa từ quy mô nhỏ.

Các cơn bão Mặt Trời có thể làm xáo trộn điện tích từ của tầng điện ly, nó tạo ra các dòng điện trong bầu khí quyển, chúng sẽ tương tác với các hạt phía dưới tạo ra dòng điện rất mạnh có thể bao phủ các cơ sở hạ tầng trên mặt đất.

Bao Mat Troi manh nhat trong 6 nam ap toi-Hinh-3

Hình ảnh mô phỏng những làn sóng mạnh mẽ phát ra từ một cơn Bão Mặt Trời. Ảnh: Phys.

Điều này có thể gây ra một số hiện tượng hiếm gặp, ví như vào năm 1972, các phi công quân sự Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đang lái máy bay về phía Nam cảng Hải Phòng đã nhìn thấy 24 quả thủy lôi phát nổ trong nước mà không rõ nguyên nhân.

Một nghiên cứu vào năm 2018 đã kết luận nguyên nhân dẫn đến vụ nổ này là do một cơn bão Mặt Trời mạnh tấn công Trái Đất.

Một số nghiên cứu cũng cho rằng plasma tồn tại bên trong Bão Mặt Trời sẽ gây nhiễu từ trường hành tinh của chúng ta. Điều này có thể gây ra sự hủy điều chỉnh nhịp tim dẫn đến làm tăng nguy cơ đau tim đối với con người.

Vào năm 2019, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sức khỏe Môi trường đã nêu bật tác động "gần như ngay lập tức" của tương tác này đối với hoạt động của tim, làm tăng "nguy cơ tử vong toàn bộ và tử vong do tim mạch ở 263 thành phố của Mỹ".

Theo Minh Khôi/Dân Trí