Biệt danh này được Oliver Sacks dành cho hòn đảo trong một cuốn sách xuất bản năm 1996. Hòn đảo Pingelap thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, cũng như du khách, bởi hoàn cảnh kỳ lạ của nó.
Theo truyền thuyết, vào năm 1775, hòn đảo hứng chịu cơn bão thảm khốc quét qua, cướp đi hầu hết sinh mạng của người dân trên đảo. Sau thảm họa, chỉ còn 20 người sống sót, trong đó bao gồm cả vị Vua cai trị thời điểm đó có tên Doahkaesa Mwanenihsed.
Vị Vua này mang trong mình một gen hiếm achromatopsia gây nên bệnh mù màu hoàn toàn. Ông cũng là người đã truyền gen hiếm cho các thế hệ sau này trên đảo.
Ngày nay, khoảng 10% người dân trên đảo vẫn được cho là có gen gây ra tình trạng này, được gọi là chứng achromatopsia hoàn toàn, tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 1 trong 30.000 trường hợp xảy ra ở những nơi khác trên thế giới. Với những người mắc bệnh mù màu trên đảo, họ không thấy được màu sắc bình thường, có đôi mắt nhạy cảm với ánh sáng và tầm nhìn hạn chế. Nói cách khác, thế giới của họ chỉ tồn tại hai màu đen - trắng và gam màu xám trung gian giữa chúng.
Nhiếp ảnh gia người Bỉ Sanne De Wilde đã sử dụng hòn đảo và khái niệm mù màu để truyền cảm hứng cho một loạt ảnh về di truyền học. Trong một chuyến thăm Pingelap vào năm 2015, cô đã tạo ra những bức ảnh về cuộc sống ở đây, nhưng không phải theo những màu sắc rực rỡ mà người bình thường nhìn thấy mà là theo cách nhìn của những người mù màu.
De Wilde đã cố gắng nhìn mọi vật dưới con mắt của cư dân nơi đây bằng cách "thao túng" các sắc thái và màu sắc trong ảnh của cô. Trong một thế giới đơn sắc, màu sắc "chỉ là một từ", cô cho hay.
Jaynard Robert, một đứa trẻ mắc căn bệnh mù màu, tuyên bố "nhìn thấy" hầu hết mọi thứ đều là màu đỏ. Vì vậy, De Wilde chụp ảnh bằng kỹ thuật nhiếp ảnh hồng ngoại.
Nhiều người khác thì nói với cô rằng, họ yêu thích màu xanh lá cây cho dù đó là thứ màu mà họ rất hiếm khi nhận biết được. Nữ nhiếp ảnh gia tin rằng, đây là cách người dân Pingelap chuyển tải tình yêu của họ đối với thiên nhiên quanh mình.
Tỉ lệ người mắc bệnh mù màu cực cao tại đảo Pingelap cũng có liên quan đến điều kiện địa lý khi hòn đảo này nằm quá biệt lập so với những khu vực đông dân khác. De Wilde cho biết, đảo quốc Samoa cũng có tỉ lệ người bị bạch tạng khá cao, điểm này tương đồng với tỉ lệ người mắc mù màu cao tại đảo Pingelap.
Theo Dương Huyền / Công lý & xã hội