Vào cuối tháng 8/2019, các nhà khảo cổ và nhân chủng học khi tiến hành khai quật một địa điểm ở phía bắc Peru đã phát hiện hơn 227 ngôi mộ trẻ em gần thành phố biển Huanchaco. Trước đó, vào tháng 3 cùng năm, họ đã khai quật được "140 hài cốt trẻ nhỏ, 3 người lớn và ít nhất 200 lạc đà không bướu non" tại vùng Huanchaquito. Tất cả đều được hiến tế theo nghi thức của nền văn hóa Chimú. Những hài cốt trẻ nhỏ được tìm thấy trong độ tuổi từ 4 đến 14 tuổi, bị giết hại dã man. Thậm chí một số em vẫn còn da, tóc như xác ướp được bảo quản tự nhiên và một số đứa trẻ khác được đeo khuyên tai bạc.
Số lượng trẻ nhỏ bị hiến tế khổng lồ khiến nhà khảo cổ học hàng đầu, ông Feren Castillo tại địa điểm đó phải thốt lên: "Đây là địa điểm lớn nhất tìm thấy hài cốt của những đứa trẻ bị hiến tế. Thật không thể tin nổi điều này lại xảy ra với những đứa trẻ. Bạn cứ đào bất cứ chỗ nào cũng thấy một hài cốt".
Những hài cốt bí ẩn
Nghĩa địa Huanchaquito
Nền văn hóa Chimú phát triển rực rỡ dọc bờ biển Peru khoảng từ năm 900 đến 1470 sau Công nguyên. Lúc đó, họ đã bị đế chế Inca chinh phục. Một bài báo khoa học được xuất bản vào tháng 3/2019 trên tạp chí PLOS One nêu chi tiết kết quả của các cuộc khai quật gần đây tại địa điểm khảo cổ Huanchaquito. Đây là nơi có "bằng chứng về những nghi lễ hiến tế liên quan tới 140 đứa trẻ, 200 con lạc đà không bướu non do bang Chimú thực hiện từ khoảng năm 1450 sau Công nguyên mà trước đây chưa từng được biết đến".
Huanchaquito thuộc khu hành chính La Libertad, huyện Huanchaco, tỉnh Trujillo, duyên hải phía bắc Peru. Năm 2014, một bài báo về nguồn gốc cổ đại nói rằng những người dân làng Huanchaquito ven biển đã thấy "xương nhô lên khỏi cát chỉ cách bãi biển 100 thước".
Lúc bấy giờ, giáo sư khảo cổ học Gabriel Prieto đến từ Đại học Quốc gia Trujillo (Peru)đã phát hiện ra hài cốt của “43 đứa trẻ và 74 con lạc đà không bướu” trong những ngôi mộ tập thể và cho rằng tất cả bị hiến tế trong một nghi lễ tôn giáo.
Theo một báo cáo trên tờ The Los Angeles Times, địa điểm khảo cổ này là một trong những trường hợp hiến tế trẻ em hàng loạt lớn nhất từng được biết đến ở châu Mỹ. Ông Gabriel Prieto cùng các đồng nghiệp đã bị sốc trước khám phá này. "Có rất nhiều bộ xương và tất cả đều là của trẻ em... Thật đáng kinh ngạc", ông nói thêm.
Bằng chứng về sự hiến tế trẻ em và động vật
Người Chimú là những nhà nông nghiệp bậc thầy, họ đã lắp đặt một mạng lưới kênh mương thủy lợi tinh vi để dẫn nước từ núi về tưới cho các cánh đồng và cung cấp nước ngọt cho các cung điện, vườn tược, quảng trường và đền thờ. Tờ PLOS One viết: "Phân tích sơ bộ cho thấy rằng con người và lạc đà được chôn cất theo một trật tự nghiêm ngặt, trong đó hầu hết trẻ em quay mặt về phía tây bắc (phía biển) và lạc đà hướng về núi".
Những đứa trẻ được bọc trong những tấm vải liệm bằng vải cotton dệt trơn, và thường được chôn theo nhóm ba người. Một số trẻ có “khuôn mặt được vẽ bằng chất màu đỏ làm từ chu sa”, những trẻ khác thì đội mũ len. Tất cả chúng dường như đã bị cắt ngang xương ức dẫn đến tử vong. Nhiều khung xương sườn của những đứa trẻ dường như đã bị cạy ra. Chính vì thế các nhà khoa học suy đoán bọn trẻ đã bị lấy mất tim sau khi chết.
John Verano, một nhà nhân chủng học tại Đại học Tulane (Mỹ)và là một trong những người đứng đầu bài báo nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi không thể chứng minh điều đó, nhưng chắc chắn trong thế giới của người Maya, họ đã mô tả tầm quan trọng của việc lấy tim vẫn còn đập ra khỏi lồng ngực".
Bí ẩn lễ hiến tế trẻ em của người Chimú
Hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của người Chimú ít được biết đến vì họ không lưu giữ hồ sơ thành văn. Nghệ thuật của họ mang tính biểu tượng và cách điệu cao. Vì vậy, lý do tại sao những đứa trẻ và lạc đà không bướu bị hiến tế vẫn luôn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ và lạc đà không bướu bị chôn vùi "trong một lớp bùn dày phía trên cát". Điều đó có nghĩa là lễ hiến tế "xảy ra sau khi mưa lớn gây lũ lụt và lở đất trong khu vực".
Bờ biển phía bắc của Peru vốn là nơi khô hạn nhưng hiện tượng El Nino có thể mang đến những trận mưa lớn bất ngờ và lũ lụt. Có lẽ lễ hiến tế được tạo ra để ngăn những cơn mưa? Ông Feren Castillo suy đoán rằng: “Họ đã hiến tế để xoa dịu hiện tượng El Nino".
Tuy nhiên, Haagen Klaus, một nhà nhân chủng học tại Đại học George Mason (Mỹ) thì lại có ý kiến khác."Người ta tin rằng tổ tiên kiểm soát nguồn cung cấp nước và cúng dường để xoa dịu tổ tiên, để đưa thế giới trở lại cân bằng", ông nói.
Giáo sư Gabriel Prieto nói rằng người hiện đại sẽ không bao giờ biết được ý nghĩa thực sự của việc hiến tế trẻ em trong quá khứ. Ông đồng ý mưa lớn đã phá hủy nền kinh tế và cấu trúc chính trị của người Chimú và "hiến tế là phản ứng của họ".
Có vẻ như việc hiến tế trẻ em đã phổ biến khi ông Gabriel Prieto bắt đầu khai quật một địa điểm khác ở Pampa La Cruz gần đó và tìm thấy “132 đứa trẻ cùng 250 con lạc đà không bướu”. Các nhà khoa học suy đoán số lượng trẻ em bị hiến tế được tìm thấy có liên quan đến nềnvăn hóa Chimú sẽ tiếp tục tăng lên.
Theo Khánh Hằng/Thời đại plus