Cần làm gì khi quên hoặc lộ mật khẩu ATM?

Google News

Để vào xem thông tin và giao dịch trong tài khoản thì mã PIN là chìa khóa để truy cập, chính vì thế nếu để lộ mật khẩu ATM sẽ có thể nguy hiểm đến tài sản.

Theo đó, mã PIN được coi là mật khẩu và cũng là chìa khóa để bạn truy cập vào xem thông tin và giao dịch trong tài khoản. Vì mã PIN sinh ra với vai trò bảo vệ tài khoản nên một khi không còn được bảo mật, mất hoặc quên thì sẽ phải cần một chiếc chìa khóa khác (mật khẩu mới/mã PIN mới) nhằm đảm bảo an toàn và truy cập lại vào tài khoản của mình.
Khi ai đó biết được mã số thẻ ATM và mã PIN thì bạn sẽ có nguy cơ bị mất tiền, nghĩa là họ đang có chìa khóa để truy cập vào tài khoản của bạn, thực hiện các giao dịch chuyển khoản và rút tiền trong tài khoản của bạn. Vậy cần làm gì đầu tiên khi bị lộ mã PIN?
Nếu quên hoặc phát hiện bị lộ mã PIN, bạn cần phải ngay lập tức gọi đến trung tâm dịch vụ khách hàng và cung cấp các thông tin (như họ tên chủ thẻ, số chứng minh thư, địa chỉ…) để nhân viên ngân hàng tiến hành khoá thẻ hoặc có biện pháp xử lý thích hợp. Tiếp đó, bạn cần đến các điểm giao dịch để làm thủ tục báo mất hoặc quên mã PIN để thực hiện cấp lại mã PIN.
Về việc cấp lại mã PIN sẽ mất phí hoặc không mất phí còn tùy vào quy định của từng ngân hàng và số tiền phí sẽ khác nhau.
Được biết, có rất nhiều người sử dụng thẻ lần đầu đều không biết mã PIN thẻ ATM nằm ở đâu và làm thế nào thể đổi mã PIN. Mã PIN khá quan trọng nên phía ngân hàng sẽ cung cấp ngay khi phát hành thẻ nhưng không bị để lộ ra bên ngoài.
Khi khách hàng nhận được thẻ ATM thì sẽ được nhân viên đưa thêm một phong bì, trong đó có tờ phiếu chứa mã PIN, mã PIN được in trong mặt trong của tờ phiếu này, khách hàng chỉ có thể nhìn thấy mã PIN khi cắt/xé theo đường kẻ mặt ngoài tờ phiếu này.
Làm thế nào để quản lý tốt mã PIN và tránh bị đánh cắp thông tin?
Trong quá trình sử dụng thẻ ATM, để quản lý tốt mã PIN nhằm đảm bảo cho số tiền có trong tài khoản thì nên thực hiện các việc như sau:
Đổi mã PIN định kỳ theo thời gian để đảm bảo an toàn cho tài khoản thẻ ATM. Đồng thời không được tiết lộ mã PIN cho bất kỳ ai, tránh đặt mã PIN là các dãy số đơn giản, dễ đoán như: ngày sinh, số điện thoại…
Đặc biệt là không nên chọn các cây ATM vắng vẻ, ít người qua lại để không gặp trường hợp kẻ xấu chiếm đoạt thẻ và lấy tiền trong tài khoản.
Can lam gi khi quen hoac lo mat khau ATM?
 Không được tiết lộ mã PIN cho bất kỳ ai để tránh mất tài sản. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Nên đăng ký dịch vụ biến động số dư (SMS Banking) để có biện pháp xử lý kịp thời nếu có bất kỳ hoạt động rút tiền bất thường nào.
Nếu phát hiện bị mất thẻ ATM hoặc lộ mật khẩu ATM thì nên khóa thẻ ngay lập tức
Ngoài ra, một số kẻ xấu thường gửi email lừa đảo, giả danh ngân hàng bạn đang sử dụng. Họ làm điều này với mục đích dụ bạn nhập thông tin đăng nhập trên trang ngân hàng giả. Do đó đừng click vào các liên kết trong email dẫn tới web của ngân hàng, ngay cả khi nhìn chúng có vẻ hợp pháp. Kẻ lừa đảo có thể làm ra một website giả mạo có giao diện giống hệt như website của ngân hàng, hay việc giả tên miền cho hơi giống giống không quá phức tạp.
Đã có rất nhiều hacker làm như vậy với mong muốn đánh cắp thông tin đăng nhập của người dùng. Khi bạn đã vào website giả mạo, khi vô tình nhập username/password vào đó sẽ mất thông tin đăng nhập ngay.
Bên cạnh đó, kẻ gian đôi khi cũng sẽ gửi tin lừa đảo thông qua SMS, Facebook Messeger và các phương tiện thông tin mới khác.
Với điện thoại thì để tăng cường bảo mật cho thiết bị nên sử dụng hết tất cả các phương thức bảo mật hiện có. Đảm bảo bạn có thể khóa điện thoại bằng pin, nhận diện khuôn mặt, vẽ hình hoặc dấu vân tay. Nếu điện thoại bị trộm thì kẻ xấu khó lòng thâm nhập nó hơn. Đặc biệt là không để hiển thị thông báo mã OTP trên màn hình khóa vì có thể tạo sơ hở cho kẻ gian nhìn thấy.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN quy định về việc chuyển đổi thẻ ATM làm bằng thẻ từ sang thẻ chip là cần thiết để tăng tính bảo mật, hạn chế tình trạng người tiêu dùng bị mất tiền trong tài khoản.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, khác với thẻ từ, thẻ chip (chip card) còn được gọi là thẻ thông minh, chứa một chip điện tử trên bề mặt thẻ, với bộ vi xử lý như một máy tính thu nhỏ và hoàn toàn độc lập. Thẻ chip có thể lưu trữ nhiều thông tin hơn thẻ từ.
Bên cạnh đó, các thông tin lưu trên con chip có thể xóa đi và tạo lại nhiều lần giúp tăng độ bền cho thẻ. Thẻ chip có nhiều ưu điểm hơn hẳn thẻ từ như độ an toàn bảo mật cao, hạn chế việc làm giả hay lấy cắp dữ liệu cá nhân.
Theo Bích Ngọc/Kinh tế Môi trường