Chuyên gia WHO: Hãy tiêm bất kỳ vắc xin nào có sẵn để ngừa COVID-19!

Google News

Trong khi các chuyên gia tại Mỹ cho rằng Moderna đạt hiệu quả cao nhất trong việc chống lại biến thể Delta, chuyên gia WHO khuyến cáo, hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt để ngăn ngừa dịch bệnh. 

Biến thể Delta không ngừng "càn quét" thế giới   
Theo thông tin từ trang mạng worldometer.info, tính tới 6h sáng ngày 20/8, thế giới ghi nhận trên 688.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.500 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tổng số ca bệnh từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay là hơn 210,7 triệu ca, trong đó có hơn 4,41 triệu trường hợp tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là: Mỹ (hơn 142.000 ca), Ấn Độ (37.304 ca) và Brazil (36.572 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới gồm: Indonesia (1.492 ca), Brazil (938 ca) và Nga (791 ca).
Trong những tháng gần đây, Mỹ là một trong những quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 do biến thể Delta gây ra có sự tăng mạnh. Các ca nhiễm tập trung ở những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tính từ đầu đại dịch, Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, chiếm 1/5 số ca nhiễm (trên 38 triệu ca) và 1/7 số ca tử vong (trên 642.000 ca).
Trước sự lây lan nhanh của biến thể Delta, Mỹ đẩu nhanh tốc độ tiêm chủng trên toàn quốc với trung bình khoảng 652.084 liều/7 ngày. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tính đến đầu tháng 8, 49,5% người dân Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ với 57,9% người dân từ 12 tuổi trở lên, hoặc nhóm tuổi hiện đủ điều kiện để tiêm phòng.
Vào ngày 20/8, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 liều 3 cho toàn dân kể từ tháng 9. Giới chức trách cho hay đây là điều cần thiết để đi trước virus giữa thời điểm biến thể Delta đang lây lan mạnh.
Chuyen gia WHO: Hay tiem bat ky vac xin nao co san de ngua COVID-19!
 Ảnh: Người lao động.
Tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn để phòng chống COVID-19 
Vắc xin ngừa COVID-19 được đánh giá là một giải pháp hiệu quả trong việc đối phó với biến thể Delta đang lây lan mạnh. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đang tích cực triển khai tiêm vắc xin cho toàn dân để đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo các chuyên gia, hiện không có vắc xin nào hiệu quả 100%. Thế nhưng, các loại vắc xin hiện nay đã được chứng minh có thể ngăn ngừa người mắc COVID-19 có diễn biến nặng và phải nhập viện.
Một nghiên cứu tại Mỹ và Israel mới công bố cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna có hiệu quả hơn trước biến Delta so với một số loại vắc xin khác. Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Mỹ tiến hành phân tích số liệu của hơn 50.000 người được tiêm vắc xin trên hệ thống của Bệnh viện Mayo. Kết quả cho thấy, hiệu quả của vắc xin Moderna có hiệu quả 76% trước biến thể Delta. Trong khi đó, vắc xin Pfizer có 42% hiệu quả chống lại chủng Delta.
Tương tự, một nghiên cứu được tiến hành ở Israel cho thấy vắc xin Pfizer kém hiệu quả hơn đối với biến thể Delta so với chủng gốc và các biến thể khác. Hiệu quả trong việc ngăn chặn các trường hợp nhiễm Delta có triệu chứng giảm xuống còn 64%. Dù vậy, vắc xin Pfizer có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng hoặc nhập viện.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện phê duyệt 7 loại vắc xin vào Danh sách sử dụng khẩn cấp bao gồm: Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac. Trong số này, Pfizer cùng đối tác BioNTech (Đức) đạt danh thu hơn 60 tỉ USD từ các mũi tiêm vắc xin COVID-19 chỉ trong năm 2021 - 2022 khi cung cấp vắc xin cho các quốc gia trên thế giới.
Các chuyên gia dự báo doanh thu trên 6,6 tỉ USD cho Pfizer - BioNTech và 7,6 tỉ USD cho Moderna vào năm 2023 chủ yếu là từ doanh số bán liều vắc xin tăng cường (tức mũi vắc xin thứ 3).
Tại Việt Nam, vắc xin Comirnaty của Pfizer - BioNTech đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12/6/2021. Vào ngày 15/8 vừa qua, chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 BNT162 của Pfizer. Đây là số vắc xin mà Bộ Y tế và Pfizer thỏa thuận dành cho trẻ vị thành niên 12 - 17 tuổi. Pfizer cũng là vắc-xin duy nhất cho đến nay có chỉ định sử dụng cho trẻ em 12 - 17 tuổi. Trong các loại vắc-xin Covid-19 đang được tiêm, chỉ có vắc-xin Pfizer đã có thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 - 18 tuổi.
Với thỏa thuận mới này, Bộ Y tế cho biết sẽ mua được tổng cộng gần 51 triệu liều vắc xin Pfizer. Trong đó quý 3-2021 vắc xin sẽ về hàng tuần với số lượng 3 triệu liều trong cả quý 3, quý 4, số lượng vắc xin Pfizer về dự kiến lên tới 47 triệu liều, tập trung vào 2 tháng 11 và 12.
Ngoài Pfizer, 3 loại vắc-xin Covid-19 đang được tiêm chủng tại Việt Nam gồm: AstraZeneca, Moderna và Vero Cell của Sinopharm. Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam đã tiêm được hơn 16 triêu liều vắc-xin Covid-19 trong đó hơn 1,56 triệu người trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Liên quan đến các loại vắc xin ngừa COVID-19, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO Việt Nam cho biết các dữ liệu cho thấy các loại vắc xin có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng COVID-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.
“Hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt bạn. Vắc xin giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh bạn. Vắc xin cũng sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới”, TS Kidong Park cho hay.
Theo TS Kidong Park, vắc xin an toàn và hiệu quả là chìa khóa để kết thúc đại dịch COVID-19 ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Chuyen gia WHO: Hay tiem bat ky vac xin nao co san de ngua COVID-19!-Hinh-2

Mời độc giả xem video: Việt Nam đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 | Bắc Ninh có 98 bệnh nhân khỏi bệnh. Nguồn: VTV24.


Tâm Anh (TH)