“Cơn mưa” bất thường
Vào khoảng 11 giờ sáng ngày 3/3/1876, bà Crouch đang ngồi trên hiên nhà ở Quận Bath, bang Kentucky, Mỹ. Bầu trời quang đãng, nhưng sau đó bỗng nhiên có một vật gì đó rơi xuống, tiếp theo là những tiếng thình thịch khác, rồi nhiều vật ướt văng tung tóe xung quanh.
Người phụ nữ giật mình lại gần xem thì thấy chúng giống như những đốm màu trên mặt đất, không ngớt từ trên trời dội xuống với tần suất ngày càng tăng. Khi đến gần hơn, bà phát hiện chúng thực sự là những miếng thịt, kích thước khoảng 5cm x 5cm, một số còn lớn hơn nữa và miếng nào cũng ướt sũng. Trong khoảng 10 phút, thịt từ trên cao rơi xuống loạn xạ cho đến khi tràn đầy sân.
Hiện tượng này gây bối rối cho bà Crouch, bởi lúc đó trời trong, nắng đẹp và không có mây. Nhìn lên bầu trời, bà thấy không nơi nào có thể chứa và tuôn xuống đống thịt này. Nhưng rõ ràng chúng đã rơi vãi khắp khu vực rộng 100m x 50m, từ trên trên mái nhà, đường đi, thậm chí mắc kẹt ở hàng rào.
Tranh cãi không ngừng về loại “thịt”
Chẳng bao lâu sau, tin đồn về trận mưa thịt đã lan truyền, kéo theo những hàng xóm hiếu kỳ kéo đến hiện trường. Đa số đều cho rằng đó là thịt bò, vì nó có màu sắc và có mùi tương tự. Tuy nhiên, một thợ săn địa phương không đồng ý, cho rằng “cảm giác béo ngậy bất thường” của thịt gần giống với thịt của một con gấu.
Để kết thúc cuộc tranh luận, một vài người đàn ông dũng cảm, có kỹ năng săn bắn, đã tự mình nếm thử một vài miếng. Nhận xét chính thức của họ là, nếu chỉ xét theo hương vị, đó là thịt nai hoặc thịt cừu. Những ý kiến trên vẫn không làm hài lòng một người bán thịt ở địa phương, theo ông đó không phải là loại thịt nào vừa kể, khẳng định rằng “nó không có vị như thịt, cá hay gà”.
Cuối cùng, chính quyền thị trấn đã thu thập các mẫu thịt và gói chúng lại, gửi đến các nhà hóa học và các trường đại học trên khắp đất nước.
Cơn mưa thịt đến từ đâu?
Sau nhiều tranh cãi không hồi kết, các nhà khoa học đã từ bỏ lý giải cho câu hỏi “cái gì”, tập trung vào tìm câu trả lời cho câu hỏi “từ đâu”. Thực ra, nếu nó là thịt, thì làm thế nào nó từ trên trời rơi xuống, và quan trọng hơn, ngay từ đầu nó đã bay lên đó bằng cách nào?
Một nhà nghiên cứu tên là Leopold Brandeis không cho nó là thịt, mà là một loại vi khuẩn lam (cyanobacteria) gọi là Nostoc, mà ông phỏng đoán đã nở ra thành một khối giống như thạch, có màu trong suốt hay màu giống như thịt khi tiếp xúc với mưa. Vấn đề là, vào thời điểm đó không có tường trình nào về mưa trong khu vực, trời trong, nắng chói chang. Ngoài ra, với 7 mẫu được các nhà khoa học kiểm tra, chúng thuộc nhiều phần cơ thể khác nhau, trong đó có hai là mô phổi, ba thuộc mô cơ và hai là mô sụn.
Theo lý thuyết hiện tại của các nhà thiên văn học, có một vành đai khổng lồ gồm các tiểu hành tinh liên tục quay xung quanh Mặt trời, và khi Trái đất va chạm với vành đai này, nó sẽ bị văng tung tóe. Có thể hình dung xoay quanh Mặt trời là một vành đai gồm thịt nai, thịt cừu và các loại thịt khác, được cắt thành các mảnh nhỏ, sau va chạm, chúng kết tủa trên bầu khí quyển của Trái đất.
Theo đó, "mưa thịt" xuất phát từ động vật ngoài hành tinh. Tất nhiên, hiện nay giả thuyết kỳ quặc này không thể chấp nhận được, nhưng vào thời điểm đó, đây là một nhận định thu hút sự chú ý của nhiều người.
Một giả thuyết khác thực tế hơn, khi cho rằng thịt thực sự bị nôn ra bởi một đàn kền kền bay ngang qua. Kentucky là nơi sinh sống của nhiều loại kền kền ăn xác sống. Khi đã nhồi nhét nhiều thịt, nếu bị đe dọa, những con chim này vội vàng bay lên, và để thoát nhanh, chúng giảm tải sức nặng bằng cách nôn ra bữa ăn cuối cùng của chúng. Nếu một con làm điều này, những con khác thường làm theo và tạo ra mưa thịt.
Vấn đề gây tranh cãi ở đây là không chỉ số lượng kền kền phải rất lớn mới có thể nôn ra lượng thịt khổng lồ được tìm thấy, mà bà Crouch còn khẳng định lúc đó không có gì trên bầu trời khi thịt rơi xuống.
Mọi chuyện chìm vào quên lãng đến năm 2004, các nhà khoa học một lần nữa tiến hành thử nghiệm về mặt di truyền để xác định nguồn gốc của những mẫu thịt này. Nhưng không may, mẫu đã nằm quá lâu trong chất formaldehyde và bị nhiễm bẩn nên không đưa ra kết quả chính xác nào cả. Vậy là bí ẩn vẫn còn là bí ẩn.
Theo CERSEI/ VTC