Cuộc cách mạng công nghệ thế kỷ 21: Từ thế giới đến Việt Nam

Google News

Không có gì để nghi ngờ, cuộc sống của chúng ta đã trở nên dễ dàng hơn nhờ công nghệ. Khó có thể tưởng tượng được việc sống một ngày mà không sử dụng công nghệ, vì công nghệ có mặt ở hầu hết mọi thứ con người sử dụng...

Công nghệ khiến cuộc sống thay đổi ra sao?
Chỉ trong khoảng hai thập kỷ qua, công nghệ đã thay đổi cuộc sống của mọi người trên thế giới. Công nghệ đã hiện diện trong hầu hết mọi khía cạnh của đời sống, từ hoạt động giao tiếp đến cách thức thực hiện các công việc hàng ngày. Sự phát triển của công nghệ đem lại những thiết bị mới với rất nhiều tiện ích, không chỉ nâng cao trải nghiệm đời sống của mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực quan trọng, liên quan đến sự phát triển của cả quốc gia như giao thông, giáo dục và y học.
Xin điểm qua một số lợi ích mà cuộc cách mạng công nghệ thế kỷ 21 đã đem lại cho con người:
Giao tiếp thuận tiện hơn
Ngày nay, có nhiều phương tiện giúp mọi người có thể giao tiếp với nhau một cách nhanh chóng và thuận tiện. Chúng ta có thể truy cập vào điện thoại di động hoặc máy tính và kết nối với bất kỳ ai trên thế giới một cách tức thời bằng cách sử dụng Internet và mạng xã hội.
Cuoc cach mang cong nghe the ky 21: Tu the gioi den Viet Nam
Chỉ mất vài giây để gửi một e-mail. Ảnh: YourDictionary
Đây thực sự là một bước tiến vĩ đại nếu biết rằng, mới chỉ hơn 30 năm trước, việc trao đổi thư từ phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần qua đường bưu điện. Giờ đây, một thư điện tử/e-mail có thể được gửi cho ai đó chỉ trong vài giây.
Quản lý hành chính trở nên hiệu quả hơn
Một lợi ích đáng kể khác của công nghệ trong cuộc sống con người là đơn giản hóa các công việc hành chính. Lấy ví dụ cụ thể trong ngành y tế, ở nhiều quốc gia, cái thời bệnh nhân phải xếp hàng dài trong phòng bệnh ngoại trú và hàng giờ chờ đợi sự tư vấn của bác sĩ chỉ còn là dĩ vãng. Hiện tại, chúng ta có thể kiểm tra xem phòng khám có mở cửa hay và không lên lịch đến bệnh viện bằng smartphone. Bằng cách này, người bệnh không mấy thời gian đến bệnh viện để rồi được thông báo rằng bác sĩ không thể khám cho họ.
Cuoc cach mang cong nghe the ky 21: Tu the gioi den Viet Nam-Hinh-2
Các thủ tục của bệnh viện nhanh hơn và hiệu quả hơn nhờ công nghệ. Ảnh: I-GLOBE.
Các thủ tục của bệnh viện cũng nhanh hơn và hiệu quả hơn nhờ công nghệ. Ví dụ, máy quét tài liệu chăm sóc sức khỏe hiện được nhiều cơ sở y tế sử dụng để số hóa các hồ sơ y tế cũ. Bằng cách chuyển các tài liệu in sang hệ thống kỹ thuật số, bất kỳ nhân viên y tế nào cũng có thể truy cập hồ sơ bệnh nhân bằng máy tính một cách thuận tiện. Điều này cũng làm giảm nguy cơ thất lạc hoặc mất hồ sơ bệnh nhân vì tất cả thông tin sẽ được lưu trữ an toàn trên các máy chủ.
Tiến bộ y học
Nhờ công nghệ, những phương pháp điều trị tưởng chừng như quá xa vời giờ đây đã có thể thực hiện được. Không có gì lạ khi nhiều bệnh viện ở đô thị nhỏ vẫn có thể thực hiện các phương pháp điều trị phức tạp, chẳng hạn như cấy ghép nội tạng hoặc hóa trị , để chữa trị cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Cuoc cach mang cong nghe the ky 21: Tu the gioi den Viet Nam-Hinh-3
Công nghệ góp phần đem lại nhiều tiến bộ y học. Ảnh: Healthcare Cloud Blog.
Những bệnh nhân đang phải chiến đấu với bệnh hiểm nghèo ngày nay có cơ hội sống sót cao hơn nhờ những đóng góp to lớn của công nghệ cho lĩnh vực y học. Áp dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất, nhiều nỗ lực nghiên cứu và phát triển y học khác nhau cũng đang được thực hiện để tìm ra phương pháp điều trị những căn bệnh tưởng như không thể chữa khỏi trước kia.
Tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn
Trước thời đại kỹ thuật số, việc tìm kiếm thông tin cụ thể có nghĩa là phải dành hàng giờ để xem qua các nguồn in như sách, báo và tạp chí. Nhưng bây giờ, tất cả những gì chúng ta cần chỉ là một chiếc điện thoại (hoặc máy tính) kết nối internet.
Cuoc cach mang cong nghe the ky 21: Tu the gioi den Viet Nam-Hinh-4
Nhờ công nghệ, ngồi nhà cũng có thể "học một sàng khôn". Ảnh: OpenGov Asia.
Hàng nghìn tài nguyên tri thức có sẵn trên nhiều nền tảng trực tuyến khác nhau, giúp mọi người tìm kiếm thông tin họ cần một cách nhanh chóng và thuận tiện. Ví dụ: Khi cần phải viết bài luận về một vấn đề nào đó, chúng ta hoàn toàn có thể ngồi nhà và tìm kiếm thông tin tham khảo từ các trang web chuyên ngành thay vì phải giam mình trong thư viện cả ngày để lật từng trang sách.
Nâng cao cơ hội học tập
Nhờ các ứng dụng công nghệ, việc học ở nhà trường mang tính tương tác cao và trở nên hấp dẫn hơn đối với học sinh. Giáo viên có thể sử dụng công nghệ để lên kế hoạch cho các bài giảng hoặc phát triển tài liệu học tập phù hợp cho học sinh của mình thay vì phụ thuộc vào giáo giáo trình.
Cuoc cach mang cong nghe the ky 21: Tu the gioi den Viet Nam-Hinh-5
Học trực tuyến là điều chỉ có ở kỷ nguyên số. Ảnh: Leverage Edu.
Ứng dụng công nghệ cũng giúp cho việc học trực tuyến hoặc học từ xa trở nên khả thi. Những người muốn lấy bằng bây giờ có thể “dùi mài kinh sử” một cách thoải mái tại nhà riêng của họ. Việc tích hợp các công cụ công nghệ trong học tập giúp học sinh linh hoạt hơn và tiếp cận được nền giáo dục bất kể khoảng cách nào, điều không thể có được trước thời đại kỹ thuật số.
Trí tuệ nhân tạo – bộ óc thứ hai của con người
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là một công nghệ với các hệ thống thông minh có khả năng học hỏi, suy luận, tư duy, giải quyết vấn đề, nhận dạng giọng nói, hình ảnh và ngôn ngữ tự nhiên... Trong vài năm gần đây, công nghệ này đã có sự phát triển vượt bậc và từng bước được áp dụng rộng rãi để để tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm thiểu các chi phí, cải thiện quá trình sản xuất, tối ưu hóa quá trình vận hành, tăng cường sức mạnh cho các hệ thống tự động hóa, thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực như truyền thông, giáo dục, tài chính, kinh tế, quân sự…
Cuoc cach mang cong nghe the ky 21: Tu the gioi den Viet Nam-Hinh-6
ChatGPT khiến sự quan tâm đến AI tăng vọt. Ảnh: Al Jazeera.
Vào tháng 11/2022, sự ra mắt của ChatGPT – một mô hình trí tuệ nhân tạo có khả năng “tư duy như con người” – đã gây sốt toàn thế giới với khả năng có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau.
Tiềm năng vô hạn của điện toán đám mây
Điện toán đám mây (Cloud Computing) hay điện toán máy chủ ảo được coi là nền tảng để phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng web khác. Đây là mô hình cung cấp công nghệ, tài nguyên máy tính liên kết với mạng Internet. Sử dụng mô hình này, người dùng có thể tiếp cận các tài nguyên từ công nghệ, năng lượng điện toán, lưu trữ cơ sở dữ liệu từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây.
Cuoc cach mang cong nghe the ky 21: Tu the gioi den Viet Nam-Hinh-7
Tiềm năng ứng dụng của điện toán đám mây vẫn còn rất lớn trong tương lai. Ảnh: LiveAbout.
Ví dụ, khi sử dụng các công cụ của Google thì cũng chính là sử dụng điện toán đám mây, bởi các ứng dụng như Gmail, Google Docs… đều dựa trên điện toán đám mây. Khi kết nối đến các dịch vụ, người dùng đã truy cập đến những cụm nhóm máy chủ đồ sộ thống nhất trên Internet.
Từ năm 2020 đến nay, công nghệ điện toán đám mây đã bùng nổ mạnh mẽ, khi mọi công việc dần được ảo hóa và làm việc từ xa trở nên phổ biến. Tiềm năng ứng dụng của những “đám mây công nghệ” này vẫn còn rất lớn trong tương lai.
Triển vọng của hệ sinh thái điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam
Cuối năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chính thức ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud, qua đó khẳng định mình là nhà cung cấp dịch vụ Điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa trong chiến lược chuyển đổi số quan trọng của Việt Nam.
Theo các thông tin được công bố trên trang chủ của Tập đoàn Viettel (https://viettel.com.vn/), Hệ sinh thái Viettel Cloud bao gồm trung tâm dữ liệu (data center), các nền tảng công nghệ, các phần mềm dịch vụ trên cloud cho đến các công nghệ bảo mật, dịch vụ quản trị, vận hành.
Cụ thể, Viettel Cloud sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu nhất Việt Nam với 13 trung tâm dữ liệu, quy mô hơn 9.000 rack trên 60.000 m2 mặt sàn. Tới năm 2025, Viettel Cloud sẽ được đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack. Toàn bộ hạ tầng trung tâm dữ liệu tuân thủ, đạt các tiêu chuẩn quốc tế ANSI/TIA-942-B:2017 Rated-3 Constructed Facilities - tiêu chuẩn dùng để đánh giá tất cả các khía cạnh của trung tâm dữ liệu vật lý bao gồm vị trí, kiến trúc, an ninh, an toàn chống cháy, điện, cơ khí và viễn thông.
Viettel Cloud sở hữu năng lực kết nối siêu băng rộng với đường trục cáp quang lớn nhất Đông Dương, 5 tuyến cáp quang biển quốc tế với dung lượng lớn nhất Việt Nam và hơn 500.000 km cáp quang phủ khắp 63 tỉnh / thành phố.
Cuoc cach mang cong nghe the ky 21: Tu the gioi den Viet Nam-Hinh-8
Hệ sinh thái Viettel Cloud ra mắt cuối năm 2022. Ảnh: Báo điện tử Chính Phủ.
Viettel Cloud có công nghệ bảo mật, tin cậy đạt chuẩn quốc tế với các chứng chỉ ISO, tiêu chuẩn bảo mật cho Thương mại điện tử và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt chứng chỉ AICPA SOC1,2,3 của Viện kế toán công chứng Mỹ. Đặc biệt, Viettel là doanh nghiệp hàng đầu có kinh nghiệm triển khai các sản phẩm đạt an toàn thông tin cấp độ 4.
Viettel Cloud sở hữu đội ngũ kỹ sư, chuyên gia về điện toán đám mây tại Việt Nam với quy mô trên 500 nhân sự cùng với gần 1000 nhân sự công nghệ thông tin, quản trị mạng và an toàn thông tin. Đội ngũ đã có kinh nghiệm triển khai và vận hành khai thác hệ thống viễn thông và CNTT ở mức toàn cầu, tại 10 quốc gia trên thế giới cùng các quy trình vận hành chuẩn quốc tế khắt khe nhất. Viettel Cloud cam kết dịch vụ sẵn sàng hoạt động ở mức tối thiểu 99,99%.
Viettel Cloud áp dụng các công nghệ hiện đại bao gồm các mã nguồn mở OpenStack, Kubernetes, Ceph, Prometheus, Grafana với các phiên bản triển khai ổn định và mới nhất. Hỗ trợ cho cộng đồng, tổ chức công nghệ có thể sử dụng một cách linh hoạt các thao tác nghiệp vụ. Đội ngũ kỹ sư Viettel Cloud trực tiếp xây dựng, làm chủ và đóng góp các mã nguồn mở này.
Hệ sinh thái sản phẩm Viettel Cloud đa dạng và quy mô lớn, với tổng hơn 70 sản phẩm dịch vụ trải rộng từ các dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như cho thuê chỗ đặt, cho tới các nền tảng dịch vụ như các AI platform (Nền tảng trí tuệ nhân tạo) và IoT platform (Nền tảng Internet vạn vật). Hệ sản phẩm này gồm 5 nhóm: Cloud Infrastructure - Hạ tầng điện toán đám mây, Cloud Platform - Nền tảng đám mây, Cloud Software - Ứng dụng đám mây, Managed Services - Tư vấn, triển khai vầ vận hành, Colocation - Trung tâm dữ liệu.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định: “Viettel cam kết mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức và doanh nghiệp sẽ có một kho dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây của Viettel. Viettel cam kết sẽ phổ cập điện toán đám mây như cách mà chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc cách mạng để mỗi người dân có một chiếc điện thoại di động; mỗi người dân có một chiếc điện thoại smartphone; để cáp quang về đến tận cửa nhà của mỗi hộ gia đình Việt Nam”.
Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Muốn xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phải dựa trên hạ tầng số. Hạ tầng viễn thông băng rộng và hạ tầng điện toán đám mây được coi là hạ tầng chính của hạ tầng số. Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao năng lực hệ thống, năng lực triển khai hạ tầng Cloud của Viettel, ghi nhận những nỗ lực của Viettel luôn thực hiện nghiêm túc, sáng tạo chiến lược Make in Việt Nam".
Trong định hướng phát triển nền kinh tế số, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% các cơ quan sử dụng điện toán đám mây, 70% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt cung cấp. Với hệ sinh thái Cloud của Viettel, không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho hạ tầng các nền tảng số, mà ở đó chủ quyền số quốc gia cũng được bảo đảm từ doanh nghiệp Việt Nam.
Cuộc sống của con người đã trở nên dễ dàng hơn nhờ công nghệ. Giờ đây, khó có thể tưởng tượng được việc sống một ngày mà không sử dụng công nghệ, vì công nghệ có mặt ở hầu hết mọi thứ con người sử dụng. Tất nhiên, thời đại kỹ thuật số cũng đi kèm với một số mặt tiêu cực, chẳng hạn việc quá phụ thuộc vào điện thoại di động, nghiện mạng xã hội, hoặc sự lan tràn của thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, những mặt tiêu cực này không thuộc về bản chất của công nghệ mà liên quan đến hành vi của người sử dụng công nghệ. Nâng cao văn hóa, sự hiểu biết và trách nhiệm của người dùng công nghệ cần phải được coi là yếu tố quyết định trong việc xây dựng một môi trường công nghệ lành mạnh và bền vững.
Thanh Bình