Đi tìm nhẫn cưới thất lạc cho ông nội, cậu bé phát hiện "của hiếm"

Google News

Khi đi tìm lại chiếc nhẫn cưới cho ông nội, cậu bé 12 tuổi vô tình phát hiện cổ vật là chiếc nhẫn vàng có niên đại 1.500 năm. 

Cậu bé Sander Magnus Vang (12 tuổi) sinh sống ở đô thị Inderøy thuộc hạt Trøndelag của Na Uy đã vô tình phát hiện cổ vật quý giá là chiếc nhẫn có niên đại 1.500 năm thuộc giai đoạn Roman, trong quá trình đi tìm chiếc nhẫn cưới mà ông nội làm thất lạc.
Khi thiết bị dò tìm kim loại vang lên tiếng kêu liên tục, cậu bé Vang nghĩ rằng mình đã tìm ra được chiếc nhẫn vàng của ông nội.
Di tim nhan cuoi that lac cho ong noi, cau be phat hien
“Tiếng kêu từ chiếc máy phát ra rất lớn”, cậu bé Vang nói với đài truyền hình quốc gia Na Uy NRK.
Ông của cậu bé là Tomas Vang cho hay, bản thân ông đã hy vọng cháu trai tìm thấy chiếc nhẫn cưới mà ông làm mất vào mùa xuân năm nay. Song ông cũng vô cùng vui mừng với món đồ đặc biệt mà cháu trai đã vô tình phát hiện.
“Ban đầu tôi không ngạc nhiên cho lắm vì nghĩ chiếc nhẫn được tìm thấy là đồ giảm giá ở một cửa hàng nào đó, hoặc thứ gì đó không đáng giá. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, tôi thấy nó rất đặc biệt”, ông Tomas Vang chia sẻ.
Để khẳng định suy đoán của bản thân, ông Tomas Vang đã chuyển chiếc nhẫn vàng mà cháu trai tìm thấy cho các nhà khảo cổ để kiểm tra.
“Chúng tôi không có nhiều tài liệu về chiếc nhẫn này, do đó nó trở nên vô cùng đặc biệt”, nhà khảo cổ học Hanne Haugen ở vùng Trøndelag nói với NRK.
Theo bà Haugen, chiếc nhẫn có niên đại từ giai đoạn Roman hoặc Thời kỳ Di cư.
“Nó trông giống như một chiếc nhẫn bằng vàng cỡ nhỏ để đeo tay với những vòng vàng mỏng được quấn xung quanh. Có thể hiểu chiếc nhẫn vàng được dùng như phương thức thanh toán để mua đồ và sử dụng các dịch vụ”, bà Haugen cho biết.
“Khả năng chiếc nhẫn từng thuộc về một người có nhiều tài sản, người khá giàu có và đầy quyền lực. Bởi chiếc nhẫn này được làm từ lượng vàng lớn. Chiếc nhẫn cực kỳ đáng giá có thể đã bị thất lạc, bị chôn giấu hoặc bị dùng để cúng tế cách đây 1.500 năm”, bà Haugen nói thêm.
Chiếc nhẫn vàng còn được xem là bằng chứng cho thấy, những người giàu có và quyền lực từng sống ở quốc gia Bắc Âu vào giai đoạn Roman.
Sau khi được quét X quang và được rửa sạch, chiếc nhẫn sẽ được đưa tới trưng bày ở Bảo tàng Khoa học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ của Na Uy.
Theo Minh Thu/ Infonet