Điểm danh các ứng viên tiềm năng cho Giải Nobel danh giá năm 2021

Google News

Các Giải Nobel 2021 có thể thuộc về những người tiên phong về vaccine ngừa COVID-19, cơ quan giám sát truyền thông, các nhà hoạt động vì khí hậu hay các nhân vật đối lập Belarus.

Theo hãng tin AFP, những người tiên phong về vaccine ngừa COVID-19, hay cơ quan giám sát truyền thông, các nhà hoạt động vì khí hậu hoặc các nhân vật đối lập Belarus là một trong số những cá nhân có thể sẽ được vinh danh Giải Nobel từ ngày 4/10 tới đây.

Ra mắt cách đây 120 năm do nhà hóa học người Thụy Điển Alfred Nobel sáng lập, mùa Nobel bắt đầu vào tháng 10 mỗi năm khi các ủy ban ở Thụy Điển và Na Uy xướng tên những người đoạt giải trong nhiều hạng mục khoa học, văn chương, kinh tế, và hòa bình, cho những nhà khoa học, tác giả, và nhà hoạt động đóng góp lớn lao cho sự tiến bộ chung của nhân loại.

Giải Nobel năm nay sẽ diễn ra tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) và Oslo (Na Uy) từ ngày 4/10 đến ngày 11/10.

Diem danh cac ung vien tiem nang cho Giai Nobel danh gia nam 2021

Huy chương Nobel giành cho người thắng giải. Ảnh: SPUTNIKNEWS

Công nghệ mRNA: Ứng viên sáng giá

Theo AFP, trong khi danh sách các ứng cử viên cho các giải Nobel năm nay là bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt, các chuyên gia về Nobel cho biết đánh giá RNA thông tin (mRNA) – công nghệ hình thành cơ sở cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech và Moderna - là một nghiên cứu được đánh giá cao cho các giải thưởng y học hoặc hóa học.

"Sẽ là một sai lầm nếu Ủy ban Nobel không trao giải cho công nghệ vaccine mRNA" - nhà báo chuyên viết về khoa học người Thụy Điển Ulrika Bjorksten nói với AFP.

Nhà báo này cho rằng bà Katalin Kariko từ Hungary và ông Drew Weissman của Mỹ - hai nhà khoa học tiên phong trong công nghệ vaccine mRNA – hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này.

Các loại vaccine được phát triển dựa trên công nghệ mRNA đã được tiêm cho hơn một tỉ người trên toàn thế giới trong cuộc đua đối phó đại dịch COVID-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,7 triệu người.

Hai nhà khoa học này đã nhận được nhiều giải thưởng chuyên ngành, như giải Lasker cho nghiên cứu y học cơ bản, một giải được coi như "giải Nobel của Mỹ".

Theo AFP, những công nghệ khác có thể được vinh danh tại Giải Nobel năm nay như giao tiếp tế bào, sự hoạt động của hệ miễn dịch, phát hiện gien gây ung thư vú, biểu sinh và kháng kháng sinh.

Việc công bố giải Nobel Y học vào ngày 4-10 sẽ mở đầu mùa Giải Nobel năm nay, tiếp theo đó là các giải Nobel Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình. Giải Nobel Kinh tế được công bố cuối cùng vào ngày 11-10.

Nobel Hòa bình sẽ liên quan lĩnh vực khí hậu?

Theo AFP, trong số những ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình - giải thưởng duy nhất được trao ở thủ đô Oslo - là các cơ quan giám sát truyền thông, các nhân vật đối lập Belarus và các nhà hoạt động về vấn đề khí hậu, chẳng hạn nhà hoạt động người Thụy Điển Greta Thunberg.

Theo hãng tin, hình ảnh của giải thưởng danh giá này đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những năm qua khi một trong những người từng đoạt giải, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, bị cuốn vào một cuộc chiến, hay trường hợp của bà Aung San Suu Kyi - cố vấn nhà nước Myanmar – vì liên quan vấn đề người thiểu số Rohingya.

Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFF).

Diem danh cac ung vien tiem nang cho Giai Nobel danh gia nam 2021-Hinh-2

Huy chương Nobel giành cho người thắng giải. Ảnh: AP

Có suy đoán rằng các nhà hoạt động về vấn đề khí hậu sẽ ứng viên tiềm năng cho năm nay trong bối cảnh thế giới trải qua hàng loạt thảm họa thời tiết chết người, từ những đợt nắng nóng làm tan chảy nhựa đường cho đến lũ quét và cháy rừng không thể lường trước được.

"Đó là vấn đề quan trọng nhất lúc này" - nhà sử học Nobel Asle Sveen nói.

Tuy trước đó được đánh giá là ứng viên nhận được nhiều sự yêu thích, song Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ chế chia sẻ vaccine COVAX đã bị cản trở do việc phân phối chậm vaccine ngừa COVID-19 đến các nước nghèo.

Nobel Văn học: "Khám phá thiên tài"

Đối với giải thưởng Nobel Văn học, sẽ được công bố vào ngày 7-10, giới đánh giá đã kiến nghị Viện Hàn lâm Thụy Điển có thể xem xét xa hơn sau khi đã vinh danh một số cá nhân từ khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.

Ông Jonas Thente - nhà phê bình văn học tại nhật báo Thụy Điển Dagens Nyheter - cho biết: “Tôi tin rằng họ thực sự muốn khám phá ra một thiên tài từ một khu vực bị bỏ quên trước đây”.

Ông gợi ý cá nhân đó có thể là "một người quan tâm hàng đầu đến trải nghiệm đa văn hóa", chẳng hạn cô Chimamanda Ngozi Adichie - 44 tuổi, sinh ra ở Nigeria.

"Cô ấy có lẽ còn quá trẻ, nhưng cô ấy sẽ phù hợp" – ông Thente cho hay.

Một số cái tên khác đã được nhắc đến trong giới văn học Stockholm trong nhiều năm như ông Peter Nadas của Hungary, bà Margaret Atwood của Canada, nhà thơ Adonis của Syria và tác giả Somali Nuruddin Farah.

Một số cái tên mới nổi lên bao gồm ông Vikram Seth từ Ấn Độ, ông Liao Yiwu của Trung Quốc và nhà văn người Mozambique Mia Couto.

Năm ngoái, Giải Nobel Văn học đã vinh dự thuộc về nhà thơ Mỹ Louise Gluck.

Năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm (Thụy Điển) sẽ không thể diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo thông báo ngày 23-9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ.

Nếu như không có đại dịch COVID-19, những người đoạt các giải thưởng danh giá này sẽ đến Stockholm để trực tiếp nhận huy chương và bằng khen từ tay Nhà vua Thụy Điển trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức vào tháng 12 hằng năm.

Năm ngoái, lễ trao giải Nobel cũng phải diễn ra dưới hình thức trực tuyến do dịch COVID-19.

Người chiến thắng trong năm nay sẽ nhận được giải thưởng tương đương 1,13 triệu USD.

Theo Hòa Đặng/Pháp luật TP.HCM