YouTuber Marques Brownlee, còn được gọi là MKBHD, đã chia sẻ kết quả đánh giá "smartphone năm 2022" của riêng mình vào tháng trước. Mặc dù iPhone 14 Pro đã giành chiến thắng ở hạng mục smartphone có hệ thống camera tốt nhất, nhưng YouTuber này đã chỉ ra một số sai sót liên quan đến ảnh chụp từ smartphone mới nhất của Apple. Mới đây, MKBHD đã bổ sung thêm 1 video trình bày chi tiết lý do tại sao một số ảnh trên iPhone ngày càng tệ hơn. Và câu trả lời cuối cùng chính là vấn đề xử lý hậu kỳ.
Trước khi có kết quả giải thưởng smartphone của năm 2022, MKBHD cũng đã chia sẻ kết quả thử nghiệm camera của mình. Trong phần này, Pixel 6A của Google đứng ở vị trí đầu tiên, trong khi Pixel 7 Pro lại xếp thứ 2. Điều này khiến YouTuber và nhiều người tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với những bức ảnh được chụp bằng iPhone.
Quá trình xử lý ảnh hậu kỳ
Để chụp được một bức ảnh đẹp, điều quan trọng là phải có một cảm biến tốt có khả năng thu được nhiều ánh sáng và chi tiết nhất có thể. Tuy nhiên, vì cảm biến máy ảnh trong điện thoại thông minh rất nhỏ so với máy ảnh DSLR, nên các nhà sản xuất điện thoại đã giới thiệu những thủ thuật mới hàng năm để cải thiện chất lượng hình ảnh bằng quá trình xử lý hậu kỳ.
Hầu như bất kỳ smartphone hiện đại nào cũng kết hợp phần cứng và phần mềm để điều chỉnh hình ảnh sau khi chụp nhằm làm cho chúng trông đẹp hơn và bù đắp các thiếu hụt từ việc không có cảm biến lớn. Điều này bao gồm những thứ như giảm nhiễu, điều chỉnh cân bằng trắng và tăng độ sáng để đạt độ chi tiết cao hơn trong các cảnh tối.
Nhưng trong những năm gần đây, Apple và các công ty khác đã đưa điều này lên một tầm cao mới. Trên iPhone, Smart HDR gộp nhiều ảnh để tạo ra một bức ảnh duy nhất. Điều này cho phép điện thoại chọn thứ tốt nhất của từng bức ảnh được gộp để tạo ra một bức ảnh cuối cùng đẹp hơn trên tổng thể. Nhưng khi có nhiều quá trình xử lý hậu kỳ được thực hiện, những hình ảnh này có thể trông không thực tế. Và đây là những gì đã và đang xảy ra với camera của iPhone.
Như MKBHD đã chỉ ra, hầu hết các điện thoại đều xử lý tốt trong các tình huống thuận lợi, chẳng hạn như bầu trời trong xanh hoặc chủ thể ở phía trước hậu cảnh rõ ràng. Nhưng khi có các màu sắc và kết cấu khác nhau trong cùng một cảnh, quá trình xử lý hậu kỳ phải đủ thông minh để hiểu đâu là cài đặt tốt nhất cho tất cả các yếu tố này.
Nhưng vấn đề là, trong khi các công ty như Google đang làm đúng cách, thì Apple dường như lại không làm như vậy. Như YouTuber này đã chỉ ra, iPhone 14 Pro luôn cố gắng làm sáng vùng tối, đặc biệt là trên khuôn mặt của mọi người, khiến bức ảnh trông rất giả tạo. iPhone cũng phóng đại độ sắc nét của ảnh so với các smartphone khác. Thậm chí, MKBHD còn phàn nàn rằng màu da của anh trông khá khác trên camera iPhone.
Apple đang hủy hoại camera iPhone bằng các tính năng thông minh
|
Ảnh chụp cho thấy camera trên iPhone 14 Pro có phần xử lý hậu kỳ hơi "quá đà" (Ảnh: 9to5mac)
|
Ngay cả khi iPhone có phần cứng camera tuyệt vời, nó cũng bị mọi tính năng thông minh như Smart HDR mà Apple đã giới thiệu trong những năm gần đây hủy hoại. Thậm chí, cứ qua từng năm, Táo khuyết còn bổ sung thêm nhiều bước hơn cho quá trình xử lý hậu kỳ của camera. Nhưng thay vì làm cho những bức ảnh đẹp hơn, họ chỉ làm cho chúng trở nên thiếu tự nhiên hơn.
Trong bài đánh giá camera iPhone 14 Pro của nhà phát triển Sebastiaan de With đứng sau ứng dụng camera nổi tiếng Halide, anh cũng chỉ ra nhiều lỗi trong Smart HDR. Ví dụ, mỗi khi có một hậu cảnh rất sáng, iPhone cũng cố gắng tăng độ sáng của những người trong ảnh, khiến họ trông rất trắng. Anh cho biết: “Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ thấy nó tạo ra một bức ảnh đẹp hơn. Kết quả chỉ đơn giản là chói lóa”.
Trong 1 ví dụ khác, camera iPhone áp dụng rất nhiều "tạo tác kỳ lạ" cho ảnh selfie trong môi trường thực sự thiếu sáng để cố gắng lưu ảnh, nhưng điều này cuối cùng dẫn đến một "mớ hỗn độn giống như hình vẽ màu nước kỳ cục" thay vì một bức ảnh bóng tối thông thường có nhiều nhiễu.
Không chỉ mỗi reviewer MKBHD, nhiều thành viên Reddit cũng phàn nàn về vấn đề ảnh chụp từ iPhone quá sắc nét và có màu sắc bị phóng đại thái quá.
Theo Minh Quang/Viettimes