Dùng Google Earth,cặp đôi tìm được nghĩa địa “quái vật” 167 triệu tuổi

Google News

Hai nhà khảo cổ nghiệp dư đã khám phá ra một nghĩa địa gồm hàng trăm "quái vật biển" kỳ dị thời cổ đại tại một mỏ đá ở hạt Wiltshire, nước Anh.
 

Theo Daily Express, cặp vợ chồng Neville và Sally Hollingworth đã sử dụng Google Earth để tìm kiếm ở những mảnh đất mà họ cho là "có dấu hiệu lạ" và tìm đến một mỏ đá nằm ở hạt Wiltshire, miền Tây Nam nước Anh.
Dung Google Earth,cap doi tim duoc nghia dia “quai vat” 167 trieu tuoi
Neville và Sally Hollingworth đã sử dụng Google Earth để xác định vị trí mỏ đá ở Wiltshire. 
Sau khi xin phép người quản lý mỏ đá, họ tiến hành khảo sát và nhận thấy nền đất sét của nó rải rác rất nhiều hóa thạch nhỏ, là những sinh vật biển cổ đại, đa số đã tuyệt chủng và rất khác với các loài họ hàng còn sống, bao gồm nhiều loại sao biển, huệ biển cổ xưa. "Số hóa thạch đã 167 triệu năm tuổi và tất cả đều ở trong trạng thái hoàn hảo đến kinh ngạc", Sally nói.
Sau đó một cuộc khai quật quy mô lớn do Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tổ chức đã phát lộ ra cả một nghĩa địa "quái vật" mà giới khảo cổ ví như "Pompeii kỷ Jura".
Pompeii là thành phố La Mã bị phá hủy và chôn vùi hoàn toàn trong vụ phun trào kéo dài 2 ngày của núi lửa Vesuvius năm 79 sau Công nguyên, tức là khoảng 2.000 năm trước. Thảm họa thiên nhiên xảy ra bất ngờ đã khiến 16.000 người bị chôn vùi vĩnh viễn.
Do bị chôn vùi dưới lòng đất trong điều kiện thiếu không khí và độ ẩm, các di vật dường như vẫn còn nguyên vẹn theo thời gian. Những dòng dung nham núi lửa đã vô tình bảo quản hoàn hảo hầu hết thi hài trong những tư thế họ đang làm dở dang khi còn sống.
“Pompeii kỷ Jura” cũng vậy. Một thảm họa bí ẩn đã "hóa đá" tất cả sinh vật cổ đại trong khoảnh khắc. Chúng có thể đã bị chôn sống bởi dòng bùn trong một vụ lở đất dưới đáy biển nào đó.
Nhờ đó các nhà nghiên cứu có thể có cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống của các loài này vào kỷ Jura, chứ không chỉ là những thông tin về cấu trúc hay hoạt động của cơ thể như các loại hóa thạch "tĩnh" khác.
"Tất cả những gì chúng tôi có là “một bức ảnh chụp nhanh”, giống như một cửa sổ quay ngược thời gian trở về cái mà chúng tôi gọi là “”Pompeii kỷ Jura”. Tất cả những sinh vật này đã bỏ mạng chỉ trong chớp mắt”, Hollingworth cho hay.
Tiến sĩ Tim Ewin, người phụ trách cao cấp về khoa học Trái đất tại bảo tàng, cho biết ông đã rất ngạc nhiên trước số lượng lớn các hóa thạch được tìm thấy tại Wiltshire, thuộc kỷ Jura.
Nhiều loài mới phát hiện là động vật thân mềm, bộ xương nhiều mảnh của chúng bị phân hủy nhanh chóng sau khi chết, do đó “khu vườn hóa thạch” với các mẫu vật được bọc đá trong tích tắc nên giữ nguyên hình dạng càng có giá trị vô song.
Khu vực quanh mỏ đá này cũng là nơi nhiều hóa thạch kỷ Jura từng được phát hiện, với niên đại dao động khoảng 164-176 triệu năm trước.
Theo Minh Hoa/Người đưa tin