Nhóm các nhà nghiên cứu do Oxford dẫn đầu cho biết, người đàn ông thời tiền sử rất có thể đã mất chân phải và tay trái trong cuộc tấn công. Các vết thương nghiêm trọng đã khiến anh ta tử vong vì có tổng cộng ít nhất 790 vết răng (cá mập) chạm tới xương của nạn nhân.
Nghiên cứu mới về Tsukumo số 24 được đăng tải trên tạp chí Tạp chí Khoa học Khảo cổ học cũng cho biết, nạn nhân có thể đã chết tương đối nhanh vì sốc mất máu sau khi bị cá mập cắn đứt các động mạch chính.
Nhóm nghiên cứu đã gọi Tsukumo số 24 là nạn nhân bị cá mập tấn công già nhất thế giới từng được ghi nhận.
Niên đại bằng carbon phóng xạ xác định, Tsukumo số 24 sống trong giai đoạn từ năm 1370 đến năm 1010 trước Công nguyên trong thời đại đánh cá - săn bắn hái lượm ở Nhật Bản thời tiền sử. Đây là thời kỳ Jōmon và việc săn cá mập có thể xảy ra. Người ta ước tính rằng nạn nhân chỉ cao 1,5m. Bộ xương của nạn nhân được khai quật vào khoảng năm 1920 từ khu nghĩa trang Tsukumo ở Okayama gần biển nội địa Seto của Nhật Bản.
Lúc đầu, các nhà nghiên cứu đã bối rối bởi những vết thương khủng khiếp của nạn nhân. Những vết thương hình răng cưa sâu với nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau bao phủ xương của nạn nhân. Một bàn tay đã bị cắt và một chân bị mất.
|
Bản đồ phân bố các vết thương do chấn thương của Tsukumo số 24. Các điểm màu đỏ thể hiện vết thương bị cắn, màu cam biểu thị các vết cắn chồng lên nhau và màu tím biểu thị các đường đứt gãy. |
|
Họ không rõ bằng cách nào hoặc tại sao, nạn nhân lại có những thương tích nặng nề như vậy.
Qua quá trình loại trừ, các nhà nghiên cứu bắt đầu nghi ngờ nạn nhân bị một con cá mập tấn công.
Họ đã tham khảo dữ liệu pháp y hiện đại về các cuộc tấn công của cá mập để tìm manh mối và tham khảo ý kiến của George Burgess, Giám đốc danh dự của Chương trình Nghiên cứu Cá mập ở Florida.
Burgess đã đồng ý với đánh giá của các nhà nghiên cứu rằng một con cá mập đã gây ra những vết thương khủng khiếp chết chóc cho người đàn ông.
Các nhà khoa học cũng tạo lại mô hình vết thương của Tsukumo 24 bằng cách ánh xạ chúng lên mô hình 3D của bộ xương người. Vị trí của các vết thương cho thấy nạn nhân còn sống tại thời điểm bị tấn công và có thể anh ta đã bị mất tay khi cố gắng tự vệ.
Những chi tiết sống động như vậy ngay lập tức vẽ nên một bức tranh chi tiết cuộc đấu tranh của người đàn ông xấu số với cá mập.
Đồng tác giả nghiên cứu, ông Mark Hudson, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Max Planck ở Đức chia sẻ: "Dù thế nào đi nữa, phát hiện này không chỉ cung cấp một cái nhìn mới về Nhật Bản cổ đại, mà còn là một ví dụ hiếm hoi về việc các nhà khảo cổ có thể tái tạo lại một giai đoạn kịch tính trong cuộc sống của một cộng đồng người tiền sử".
Dựa trên các dấu răng, họ tin rằng con cá mập đã tấn công Tsukumo là cá mập hổ hoặc cá mập trắng. Dấu tích của cả hai loài cá mập này cũng đã được tìm thấy trong khu vực.
Theo Bảo Tuấn/Tiền Phong