Các nhà khoa học trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) vừa tiến hành một nghiên cứu, giúp giải mã bí ẩn tồn tại suốt 168 năm qua về cách thức hình thành những ngọn núi lửa lớn nhất và hoạt động mạnh nhất thế giới tại Hawaii.
|
Ảnh minh họa. |
Năm 1849, các nhà khoa học đã phát hiện hiện tượng "chuỗi núi lửa song sinh", song đến nay vẫn chưa có lời giải cho hiện tượng này.
Theo các nhà khoa học ANU, các núi lửa ở Hawaii hình thành trên hai đường đứt gãy song sinh này từ trên 3 triệu năm trước khi có hoạt động dịch chuyển hướng mảng kiến tạo Thái Bình Dương dẫn tới sự tách biệt của hai đường đứt gãy. Từ đó tạo nên hai chuỗi núi lửa khác biệt thay vì một chuỗi thông thường hình thành dọc đường đứt gãy.
Theo nhà khoa học Tim Jones, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, kiểu hoạt động địa chất như vậy là đáng ngạc nhiên, bởi nó xảy ra cách xa các đường ranh giới mảng kiến tạo, nơi hầu hết các ngọn núi lửa được phát hiện.
Trong khi đó, Tiến sĩ Rhodri Davies, đồng tác giả của công trình nghiên cứu, lý giải các vết nứt gãy giống như núi lửa song sinh xuất hiện là bởi các cột đá nóng không cùng hướng dịch chuyển của các mảng kiến tạo và chúng hoạt động theo hướng trồi lên bề mặt Trái Đất.
Tiến sĩ Davides cũng dự đoán trong tương lai, nhiều khả năng mảng kiến tạo này và các cột đá sinh nhiệt nêu trên sẽ lại khớp nối với nhau và 2 vết nứt gãy sẽ "tái hợp" để trở thành một vết nứt gãy như trước kia.
Các nhà khoa học cho rằng khám phá mới này sẽ giúp các nhà khoa học phục dựng lại lịch sử Trái Đất và hiểu sâu hơn về một phần của thế giới vốn thu hút trí tưởng tượng của con người hàng trăm năm qua.
Phát hiện này cũng giúp giải thích sự khởi nguồn của Hawaii, "khu tập thể" núi lửa lớn nhất và hoạt động mạnh nhất trên thế giới và đây cũng là một trong những nơi thu hút du khách nhất thế giới.
Theo TTXVN