Giải mã tai ương kích hoạt “ổ rắn độc” tràn lan khắp nơi

Google News

Chuyện gì đã xảy ra?

Trên khắp vùng rộng lớn của khu vực hẻo lánh này, hàng nghìn người bị nhồi nhét trên những mảng đất cao được bao bọc bởi những đống bao cát. Trong năm thứ 3 liên tiếp, nước lũ đã dâng đến bờ của các bức tường bao cát.

Hầu hết mọi người đã phải di dời và đang tìm kiếm nơi trú ẩn tại các trường học hoặc nhà kho cũ, hoặc túm tụm trong những căn lều tạm bợ được xâu lại với nhau bằng các tấm nhựa, tấm tôn và cành cây.

Giai ma tai uong kich hoat

Những người đàn ông sử dụng xô để lấy nước chảy qua đê sau một đêm mưa ở làng Paliau ở bang Jonglei, Nam Sudan. Trên khắp những dải đất rộng lớn của vùng hẻo lánh này, hàng nghìn người bị nhồi nhét trên những mảng đất cao được bao bọc bởi những đống bao cát. Ảnh: National Geographic

Tính đến cuối tháng 10/2021, cả đường băng và mạng lưới đường bộ đều bị nhấn chìm, cắt đứt các khoản viện trợ quan trọng gồm thuốc men, thực phẩm, lều trại và các mặt hàng thiết yếu khác từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế khác.

Đó là khung cảnh khắc nghiệt và đầy trớ trêu tại Nam Sudan (một quốc gia tại châu Phi).

Lũ lụt không chỉ khiến người dân khốn đốn, đói kém, không được tiếp cận ý tế mà còn nguy hiểm gấp bội khi hàng loạt ổ rắn độc tràn lan khắp nơi - đe dọa sinh mệnh của người dân nước này.

Giai ma tai uong kich hoat

Những ngôi nhà ngập trong nước ở ngôi làng Wanglei ở quận Twic East, bang Jonglei. Ảnh: National Geographic

Khu vực xung quanh Bor — một từ trong tiếng Dinka có nghĩa là "lũ lụt" — không còn xa lạ với nước, nhưng những trận ngập lụt kéo dài nhiều năm như thế này đã không xảy ra ở Nam Sudan trong hơn 6 thập kỷ.

Các chuyên gia cho biết các lý do là rất khác nhau nhưng chủ yếu là do sự kết hợp của biến đổi khí hậu, nạn phá rừng ở Ethiopia - nước láng giềng, sự gia tăng dân số và quản lý nước kém trên khắp châu Phi.

Khi mùa mưa đến vào năm 2019, nó không đến vào khung thời gian thông thường ở Nam Sudan. Theo Mads Oyes, trưởng bộ phận điều hành của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), những trận mưa như trút nước xảy ra vào đầu mùa khô, vào tháng 11 và với số lượng bất thường, như thể "cả bầu trời như sụp đổ, đặc biệt là ở bang Jonglei, Nam Sudan".

Theo Liên Hợp Quốc, 27 trong số 78 quận của Nam Sudan bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, khiến hơn 630.000 người khốn khổ vì mưa lũ. Ví dụ, hầu hết quận Twic East ở bang Jonglei, chỉ có thể đến được bằng ca nô và xuồng máy có động cơ đủ nhỏ để di chuyển giữa những ngôi nhà bị ngập lụt; cây cối, biển báo đường phố và đê từng phân định vùng đất hiện không thể nhìn thấy được.

Lũ lụt làm giãn đoạn y tế, giáo dục

Lũ lụt đã làm gián đoạn mọi thứ — từ kinh tế đến y tế và giáo dục. Bộ phận dân cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất và dễ bị tổn thương nhất trong khu vực là phụ nữ và trẻ em. Từ vùng đất này đến vùng đất cao, phụ nữ và trẻ em đang mắc bệnh sốt rét, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, các bệnh truyền qua nước và nhiễm trùng đường hô hấp. Nhiều người đàn ông đã bỏ đi tìm việc và không trở về, để lại những người mẹ tần tảo nuôi bản thân và những đứa con thơ.

Trong khi khoảng hai phần ba dân số đã chạy đến vùng đất khô ráo, ổn định hơn, những người ở lại vùng lũ dành phần lớn thời gian của họ ngập sâu trong nước bị ô nhiễm. Các gia đình đã mất gia súc, vật nuôi và mùa màng, chỉ còn lại cá là nguồn thức ăn duy nhất của họ.

"Tôi có năm đứa con nhưng tôi đang chăm sóc chín đứa con — con của tôi và con của con gái tôi. Tôi đã ở đây hai năm. Nhà tôi bị ngập lụt. Tôi đã mất mọi thứ. Chỉ còn lại tôi và các con/cháu tôi. Bây giờ chúng tôi không có gì để ăn. Chúng ta chỉ có cá" - Một phụ nữ vùng lũ tại Sudan cho biết.

Giai ma tai uong kich hoat

Các gia đình Nam Sudan ở làng Dhiam Dhiam đánh bắt cá trong ngày để ăn và làm khô để bán ở nơi khác. Ảnh: National Geographic

Mabeny Kuot, Ủy viên Quận Twic East, cho biết tình hình sức khỏe rất nghiêm trọng. Ông nói: "Đang bùng phát dịch sốt rét và việc người dân tìm được ngay cả thuốc điều trị sốt rét ở bất kỳ cơ sở y tế nào cũng rất khó. Thậm chí, tìm được ngay cả thuốc kháng sinh ở bất kỳ cơ sở y tế nào cũng khó".

Lũ lụt kích hoạt ổ rắn độc tràn lan khắp nơi

Tệ hơn nữa, lũ lụt khiến rắn độc bò ra khỏi nơi trú ẩn. Chúng bị kích động và dễ tấn công người. Nhiều người dân Nam Sudan một cổ mấy tròng khi vừa bị lũ lụt hoành hoành, thiếu ăn lại còn bị rắn tấn công, có thể gây chết người.

Theo website Africansnakebiteinstitute.com, Nam Sudan là nhà của rất nhiều loài rắn độc cực kỳ nguy hiểm sinh sống. Trong số đó phải kể đến 'cỗ quan tài đen' Black Mamba - loài rắn cực độc ở châu Phi; rắn độc rất nguy hiểm Jameson's Mamba - thuộc rắn Hổ; rắn Boomslang - dài gần 2 mét, xanh lục; rắn forest vine; hổ mang Ai Cập; hổ mang rừng nâu; hổ mang phun độc cổ đen; rắn viper gấm Đông Bắc châu Phi; rắn Puff Adder; rắn Gaboon Adder; rắn viper sừng...

Riêng nọc độc của Black Mamba độc đến mức có thể khiến nạn nhân ngạt thở, suy đa tạng, tử vong sau ít phút.

Giai ma tai uong kich hoat

Hình ảnh một số loài rắn cực độc ở Nam Sudan.

Vì nước lũ dâng cao mà những loài rắn độc vốn hung hăng này có thể dễ dàng bơi vào nhà người dân.

Chúng đều là những loài rắn thuộc top độc trên thế giới. Và hoàn toàn có thể tấn công con người khi được 'thả cửa' và cảm thấy bị đe dọa, kích động.

Lũ lụt cô lập người dân

Sự xuất hiện của lũ lụt trước đại dịch Covid-19 hàng tháng khiến các nguồn lực và quỹ từ cộng đồng quốc tế đến các tổ chức cơ sở tình nguyện bị cắt hoặc chuyển hướng. Cư dân ngày càng tuyệt vọng, cầu xin bao cát, tấm nhựa, thuốc men, lều trại và thực phẩm.

Xe cứu thương đã được thay thế bằng ca nô hoặc xuồng máy nhỏ. Phụ nữ mang thai bị biến chứng chỉ còn biết dựa vào thiện chí của người khác để được đến cơ sở y tế đang hoạt động gần nhất ở Panyagor hoặc Bor.

Khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại Scotland, Vương quốc Anh để tham dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu của LHQ, còn được gọi là COP26, Yves Willemot, Trưởng ban truyền thông của UNICEF tại Nam Sudan, nhấn mạnh sự cần thiết rằng: Cộng đồng quốc tế phải có phản ứng khẩn cấp đối với những tác động của biến đổi khí hậu đang tàn phá đất đai và cuộc sống của người dân, đặc biệt là tại Nam Sudan.

Ông nói: "Với COP26, có rất nhiều suy nghĩ về việc tất cả chúng ta nên làm gì cùng nhau để tránh biến đổi khí hậu. Điều đó sẽ có tác động to lớn đến cuộc sống tương lai của chúng ta và con em chúng ta. Nhưng điều thường bị lãng quên là nó đã xảy ra rồi".

Yves Willemot nói: "Chúng tôi cần đảm bảo rằng các biện pháp ứng phó được thực hiện cho những quốc gia ngày nay đang phải trả giá đắt cho hậu quả của biến đổi khí hậu. Thật là sốc khi Nam Sudan đang phải trả giá cho một thứ mà họ rất là những người cuối cùng phải chịu trách nhiệm!".  

Theo Trang Ly/Báo Tổ quốc