Giáo sư Trần Đình Long: Ước mơ về cường quốc nông nghiệp

Google News

GS.VS Trần Đình Long vẫn đau đáu nỗi niềm, làm thế nào để Việt Nam phát huy được thế mạnh, đưa nền nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế. 

Giao su Tran Dinh Long: Uoc mo ve cuong quoc nong nghiep
Các sản phẩm nông nghiệp Việt đang dần khẳng định vị thế tại các thị trường toàn cầu. Ảnh minh họa. 
Cha đẻ nhiều giống cây vượt trội
80 tuổi, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam có đến 60 năm nghiên cứu, gắn bó với ngành khoa học nông nghiệp. Ông cho rằng, Việt Nam có nhiều thế mạnh về nông nghiệp nhưng chưa biết tận dụng. Nông nghiệp chưa thể cất cánh, chưa đem lại giá trị cao bởi xuất khẩu thô vẫn chiếm thế chủ đạo, không có sản phẩm nông nghiệp thương hiệu thế giới.
Việt Nam có rất nhiều giống cây đặc hữu, nhiều loại cây ăn quả là đặc sản, nhiều giống rau không có ở nước nào trên thế giới. 30 loài hoa lan đặc hữu chỉ có ở Việt Nam do sự đa dạng sinh học mang lại. Đáng tiếc là ngành công nghiệp hạt giống lại yếu, dẫn đến sản xuất quy mô công nghiệp còn rất thấp.
Mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 500 - 600 triệu USD hạt giống rau hoa quả cao cấp. Giống cà chua trong nước có năng suất chỉ 40 - 50 tấn/ha, nhưng giống cà chua bi nhập khẩu có thể cho 200 tấn/ha.
“Không phải chúng ta không có hạt giống tốt để xuất khẩu. Gần đây nhất là giống thanh long ruột tím được một số nước như New Zealand đề nghị mua bản quyền. Nhưng để hình thành một nền công nghiệp xâu chuỗi thì chúng ta chưa làm được”, GS.VS Trần Đình Long cho hay.
Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, GS.VS Trần Đình Long chọn tạo thành công 26 giống cây trồng, trong đó có 10 giống đậu tương, 6 giống lạc mới và 4 giống đậu xanh được công nhận là giống quốc gia. Các giống này đã được gieo trồng hàng vạn ha ở các vùng sinh thái khác nhau trong cả nước, tăng thu nhập cho người nông dân từ 15 - 20% so với giống cũ.
Năm 1964, khi đang học năm thứ ba tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kishinev-KGU, Liên Xô, đề tài nghiên cứu khoa học của ông là “Nghiên cứu sự hình thành tia lạc”. Lúc đó, GS Trần Đình Long mới biết từ củ lạc là không đúng, thực ra chính xác phải gọi là quả lạc vì lạc ra hoa ở trên mặt đất, sau đó tia lạc đâm xuống đất và hình thành quả ở dưới đất, dân ta thấy quả ở dưới đất nên gọi là củ lạc, tiếng Nga gọi là quả Orec ở dưới đất (quả óc chó). Con đường khám phá khoa học sinh học của GS Trần Đình Long bắt đầu từ đây.
Giao su Tran Dinh Long: Uoc mo ve cuong quoc nong nghiep-Hinh-2
 GS.VS Trần Đình Long.
Rong ruổi 20 năm tìm giống đậu tương
Cây đậu tương là thành quả nghiên cứu lớn nhất của ông. Luận án tốt nghiệp đại học, phó tiến sĩ rồi tiến sĩ của ông đều về cây đậu tương. Theo GS Long, đậu tương là cây nông nghiệp có nhiều ưu điểm. 1ha cây đậu tương sau khi thu hoạch để lại cho đất 20kg đạm nguyên chất. Khả năng cải tạo đất này có được từ các nốt sần ở rễ cây.
Thời điểm ông bắt đầu nghiên cứu, Việt Nam chưa có hệ thống hạt giống đậu tương bài bản. 3 vấn đề đặt ra với ông khi đó là phải tìm ra loại đậu tương ngắn ngày, có hàm lượng protein cao và chống chịu sâu bệnh tốt. Giống đậu tương của Mỹ được trồng phổ biến khi đó có năng suất cao, nhưng thời gian trồng đến 180 ngày. Dù lượng dầu trong hạt cao nhưng lượng protein lại thấp, không ưu việt khi dùng làm thực phẩm.
Để tạo ra những giống đậu tương ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh, năng suất tốt, GS. Trần Đình Long đã lặn lội đi khắp nơi thu gom nguồn gene của cây đậu tương.
Suốt từ năm 1983 đến 2003, ông đã thực hiện hàng trăm chuyến đi, có chuyến kéo dài đến 2 tháng. Ông lang thang trên khắp các nẻo đường Tây Bắc, Việt Bắc, khắp các bản làng hiu hắt xa tít để thu thập hạt giống đậu tương mà người dân trồng. Đây là những giống đậu tương bản địa, nhưng chưa được nghiên cứu bài bản, phân lập thành hệ thống hạt giống để gieo trồng.
“Có những chuyến đi xe bị nổ lốp, mưa gió, sạt lở, kẹt lại trong bản mấy ngày liền. Có chuyến thì bị sốt rét hành hạ… nhưng để có vật liệu nghiên cứu, buộc phải kiên trì thực hiện, không có cách nào khác. May mắn là các giống vàng Mường Khương, xanh Bắc Hà, cúc Lục Ngan đều thu thập đủ…”, GS Long nhớ lại.
Thu thập được hạt giống nào, ông đem về Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam gieo trồng hạt đó. Thu hoạch, GS Long sử dụng công nghệ sinh học để chọn lọc tính trạng tốt. Trong hàng vạn cá thể mới tìm ra vài cá thể có tính trạng tốt.
Bằng phương pháp lai tạo, đột biến, ông đã cho ra đời những giống đậu tương tối ưu nhất: Giống ngắn ngày, giống chống chịu sâu bệnh, giống cho năng suất cao. Kết quả phân lập gene từ nguồn giống đậu tương nói trên cũng được ông bổ sung vào ngân hàng gene quốc gia phục vụ nghiên cứu khoa học của các thế hệ nhà khoa học sau này.
Làm ra giống cỏ ngọt đầu tiên của Việt Nam
Nghiên cứu thành công cây cỏ ngọt cũng là một dấu ấn trong cuộc đời làm khoa học của GS Trần Đình Long. Cây cỏ ngọt cho lượng đường ngọt gấp 300 lần so với đường mía, nhưng lại không có năng lượng, phù hợp cho người tiểu đường, béo phì.
Ông kể, năm 1988, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến công tác châu Mỹ về có đem theo một cây cỏ ngọt. Đại tướng giao cây này cho Bộ NN&PTNT với mong muốn có thể trồng nó ở Việt Nam. Bộ NN&PTNT giao xuống cho Viện Khoa học Nông nghiệp thực hiện.
Từ cây cỏ ngọt duy nhất này, sau 5 năm phân lập, nuôi cấy mô, GS Long cho ra đời được giống cỏ ngọt ST88. Khó khăn khi đó là điều kiện phòng thí nghiệm còn kém, thô sơ, trong khi áp lực nghiên cứu rất lớn.
“Lúc đưa về tôi không biết là cây gì, cứ nghĩ nó như cây mía. Duy trì cho cây sống được đã khó, nhân giống nó lại khó hơn”, ông nhớ lại.
Trồng mãi cây không ra hoa để lấy hạt gieo, ông quyết định đem cây vào Đà Lạt trồng. Sau 2 năm, may mắn cây ra hoa, cho hạt. Giống cỏ này được công nhận giống quốc gia năm 1995. Nhiều nông dân ở Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh… khi đó mua được đài cassette, vô tuyến nhờ trồng cỏ ngọt. Thậm chí nhiều cán bộ Viện Khoa học Nông nghiệp khi đó cũng có thu nhập cao hơn cả lương nhờ trồng cỏ ngọt, bán giống lại cho người nông dân.
Sau này, các giống cỏ ngọt ST99, ST77 cũng ra đời trên nền tảng nghiên cứu giống cỏ ngọt đầu tiên, với lượng đường tăng cao hơn giống đầu tiên khoảng 25%. Hiện giống này được người nông dân trồng chủ yếu cung cấp làm nguyên liệu cho Đông y. GS Long mong mỏi Việt Nam sẽ có dây chuyền sản xuất đường từ cỏ ngọt để đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Viết giáo trình tế bào học đầu tiên
Năm 1967, sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô, ông được tổ chức điều về Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) làm công tác giảng dạy.
Trước khi đứng lớp, lãnh đạo nhà trường giao cho ông và GS Trần Tú Ngà, trong một tháng phải biên soạn xong giáo trình môn Tế bào học. Trước đây, môn Tế bào học được ghép vào môn Giống, chương trình giảng dạy chung chung, các cán bộ giảng dạy chủ yếu là dạy chay. Đây là thời kì ông Nguyễn Đăng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, được Trung ương điều về làm Hiệu trưởng để xây dựng trường này trở thành trường trọng điểm.
Khi đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp I, ông Nguyễn Đăng đã đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó, đặc biệt chú trọng đến giáo trình giảng dạy. Ông yêu cầu, giáo viên lên lớp phải có giáo trình. Giáo trình phải đảm bảo “3 nhất và 4 tính”. “3 nhất” là: Khoa học nhất, chính xác nhất và hiện đại nhất. “4 tính” là: Sư phạm, thực tiễn, khoa học và tính dân tộc.
Là một cử nhân mới đào tạo ở nước ngoài về, trong một tháng, chàng trai trẻ Trần Đình Long phải soạn xong giáo trình môn học mới, đảm bảo yêu cầu “3 nhất và 4 tính” là một thử thách lớn. Lúc này, trong lĩnh vực tế bào và di truyền ở trường cũng như ở nước ta đang tồn tại hai trường phái.
Trường phái theo học thuyết Mít-Su-Rin (nhà sinh vật Nga) và trường phái theo học thuyết di truyền của Mendel (người Áo). Ngày ấy, ai theo học Mendel được cho là duy ý chí. Thử thách của nhà giáo Trần Đinh Long khi đó là soạn giáo trình ra sao để nội dung vừa mang tính hiện đại mà không bị đánh giá là duy ý chí.
Ông nhớ lại, lúc đó, GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã ủng hộ trường phái Mendel. GS Tạ Quang Bửu đặc biệt quan tâm đến sinh học hiện đại. Lãnh đạo nhà trường lúc đó đã nắm bắt được tư tưởng, quan điểm và tầm nhìn của vị Bộ trưởng, chỉ đạo cán bộ giảng dạy của nhà trường biên soạn giáo trình hiện đại, dựa trên thành tựu của Mendel. Vậy là, sau một tháng biên soạn, giáo trình Tế bào học ra đời.
Đến nay, GS Trần Đình Long đã biên soạn, cho xuất bản 20 cuốn sách trong đó có 3 giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy tại các trường đại học, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ (giáo trình Tế bào học; Chọn và nhân giống cây trồng, Bảo tồn, đánh giá và sử dụng nguồn gene thực vật).
Mơ ước về nền nông nghiệp cất cánh
GS.VS Trần Đình Long vẫn đau đáu nỗi niềm, làm thế nào để Việt Nam phát huy được thế mạnh, đưa nền nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế. Ở nhiều hội nghị, hội thảo, ông vẫn miệt mài đề xuất kiến nghị. Ông cho rằng, phải phát triển một nền nông nghiệp bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị, giảm xuất thô, coi khoa học công nghệ là cốt lõi để tăng giá trị nông sản. Làm được như thế, nông sản không chỉ đem lại 41 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản như hiện nay mà phải từ 400 tỉ USD trở lên.
Để phát triển nông nghiệp, phải sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. 1kg đậu tương nếu xuất thô chỉ bán được 15.000 – 20.000 đồng, nhưng chế biến được 16 lít sữa đậu nành. Chế biến như vậy, mỗi ha trồng đậu tương có thể đem lại 400 triệu đồng.
Từ gạo, có thể làm ra 165 sản phẩm khác nhau, nhưng chúng ta hiện mới chỉ khai thác hạt gạo. Cà phê thành phẩm, giá thành cao hơn vài chục lần so với hạt cà phê thô.
“Nếu chúng ta tổ chức sản xuất theo chuỗi hàng hóa, sẽ không bao giờ có chuyện người nông dân được mùa mất giá. Nhiều sản phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế cao, sẽ tạo nên thương hiệu nông nghiệp Việt Nam”, GS.VS Trần Đình Long cho biết.
Một điều trăn trở nữa của GS Long là hiện chưa có viện hàn lâm khoa học nông nghiệp Việt Nam. Trong khi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đều đã có viện hàn lâm. Vấn đề theo ông Long không chỉ là tên gọi, mà viện này sẽ hoạt động theo hình thức Nhà nước trả tiền để nghiên cứu cơ bản, còn nghiên cứu ứng dụng sẽ được tự chủ. Từ đó mới có những nghiên cứu có tầm cỡ.
GS Long đặt câu hỏi: Hầu hết các ngành đều có chiến lược phát triển dài hạn, nhưng chúng ta lại chưa có chiến lược phát triển cho ngành nông nghiệp. Cần phải đặt ra lộ trình phát triển đến năm 2045, nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu gì, từng giai đoạn phải có những thành tựu gì. Ông cho rằng đây là vấn đề quản trị. Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp chưa nhiều, coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng lại không coi trọng để phát triển.
Để phát triển nông nghiệp, phải đầu tư dài hạn. Nhà nước phải tập trung nguồn lực, gắn kết các chuỗi trong quy trình sản xuất mới có thể đem lại giá trị cao. Làm thế nào để người nông dân được hưởng lợi cao nhất trên một diện tích cố định. Muốn thế phải tái cơ cấu, đẩy mạnh đầu tư vào khoa học ứng dụng trong nông nghiệp. Nhưng chìa khóa quan trọng nhất vẫn là vấn đề quản trị.
GS.VS Trần Đình Long sinh năm 1941 tại Thanh Ba, Phú Thọ. Ông đã biên soạn, cho xuất bản 20 cuốn sách trong đó có 3 giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy tại các trường đại học, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
Ông là từng là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc gia Kishinev rồi làm cán bộ giảng dạy Trường Đại học Nông nghiệp I, sau đó là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ông từng là Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Việt Xô, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.
Ngoài chức danh là Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, ông còn là Thành viên Ban điều hành Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Nhật Chi/Giáo dục & Thời đại