Thực tế, mỗi năm có hàng ngàn, hàng ngàn... không đếm xuể động vật chết thảm bởi rác thải nhựa con người xả ra môi trường. Theo thống kê, có cả ngàn con rùa biển bỏ mạng mỗi năm sau khi mắc kẹt trong rác thải nhựa dưới đại dương. Các sinh vật biển cỡ lớn đang phải chịu đựng cảnh nuốt rác nhựa mỗi ngày, gây ảnh hưởng không thể lường trước.
|
Cảnh tượng kinh hoàng trong xác các voi. |
Đầu tháng 6/2018, người ta liên tiếp phát hiện rùa biển,
cá voi chết vì rác thải nhựa, trong đó, cụ thể, có con cá voi dạt vào bờ biển Thái Lan trong tình trạng yếu không thể dung nạp dinh dưỡng, dù các nhân viên của Cơ quan hàng hải và tài nguyên biển Thái Lan nỗ lực để trợ giúp cứu sống chú cá nhưng nó vẫn chết sau đó. Và rồi người ta phát hiện hơn 80 chiếc túi nylon, nặng khoảng 8kg được tìm thấy trong dạ dày của con cá voi.
Rác nhựa có tác động rất lớn các loài vật có phương pháp ăn theo cơ chế "lọc", như cá voi, cá đuối. Mỗi ngày chúng hút hàng ngàn lít nước vào bụng, rồi dùng răng giữ lại thức ăn. Và cũng trong quá trình ấy, chúng vô tình nuốt theo hàng trăm mảnh rác nhựa nữa.
Mời quý vị xem video: Cảnh tượng rác thải, phế thải tràn lan ở Hà Nội
Tác động của rác thải nhựa đến cơ thể sinh vật vô cùng kinh hoàng, các phân tử nhựa không thể tiêu hóa có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và phát triển của cơ thể sinh vật, nếu như tích tụ đủ trong nhiều năm. Điều đó đồng nghĩa việc có thể đẩy nhiều loài cá voi, cá heo đến bờ vực tuyệt chủng.
Ngoài sinh vật biển, theo ước tính, khoảng 97% chim hải âu Laysan non sống ở phía bắc Thái Bình Dương có các mảnh nhựa trong dạ dày. Nguyên nhân là do bố mẹ của chúng nhầm lẫn rác thải nhựa với thức ăn và mớm mồi cho con, về lâu dài, rác thải nhựa cũng khiến chúng chết trong đau đớn.
Mỗi năm, 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa.
Trung bình mỗi năm, con người sản xuất 300 triệu tấn nhựa. Khoảng 12,7 triệu tấn rác thải nhựa bao gồm túi, chai, bao bì thực phẩm sẽ đi vào đại dương, tàn phá môi trường biển và ảnh hưởng đến đời sống của các sinh vật. Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý, và hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là "ô nhiễm trắng.
Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Giới phân tích đánh giá nếu nhịp độ sử dụng sản phẩm nhựa tiếp tục tăng như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và như vậy sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.
Hình ảnh chú cá voi, rùa biển, chim hải âu... bị chết do nuốt phải nhiều túi nhựa chính là lời cảnh tỉnh đối với tình trạng sử dụng túi nhựa tràn lan của con người, gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường tự nhiên.
Lưu Thoa (TH)