GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: "Quá gò bó, nhà khoa học không thể sáng tạo"

Google News

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, phải đảm bảo cho người làm khoa học được phát huy trí tuệ và có thu nhập tương xứng. Nếu quá gò bó, họ sẽ không thể có sáng tạo.

Hạnh phúc nhất là giữ được “chất” của nhà khoa học
Gần trọn cuộc đời hoạt động nghiên cứu về sinh học, GS.TSKH.Đặng Huy Huỳnh đã có những đóng góp to lớn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học cả trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, GS.TSKH.Đặng Huy Huỳnh được biết đến là người truyền cảm hứng tới cộng đồng, những nhà hoạt động môi trường về việc bảo vệ môi trường sinh thái, phục hồi nhiều loài sinh vật quý hiếm, giữ được nhiều cây di sản.
GS.TSKH Dang Huy Huynh:
 GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, một trong những điều quan trọng nhất của người làm khoa học, đó chính là phải giữ được “chất” của một nhà khoa học. Ảnh: Mai Loan.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, một trong những điều quan trọng nhất của người làm khoa học, với ông, đó chính là phải giữ được “chất” của một nhà khoa học. Nhất là để có thể tuyên truyền, vận động được người dân, thì mỗi nhà khoa học phải là một “tấm gương”, và phải biết gần dân, dựa vào dân.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh kể chuyện, một lần ông cùng đoàn công tác ở vùng núi đúng lúc bà con săn được con bò tót rất to. Già làng bèn cho người đem đến biếu cán bộ hẳn một cái đùi bò. Lúc đó, cả đoàn gồm 18 người, sinh hoạt rất kham khổ, cơm chỉ có muối, thế nhưng ông đã kiên quyết từ chối, không nhận đùi bò của dân.
Sáng hôm sau, ông và cả đoàn mới phân tích cho bà con hiểu, vì sao phải cần giữ rừng, con thú nào thì không nên săn, bắt chúng… nếu phá rừng thì gánh chịu hậu quả thế nào…
“Thế là bà con hiểu. Nhưng trước hết, bản thân người cán bộ phải làm gương. Lúc đó cũng có người bảo, hay các thầy cứ ăn đi, nhưng nếu hôm đó mình ăn đùi bò của dân thì làm sao tuyên truyền người dân không phá rừng, giết hại động vật rừng được nữa. Người làm khoa học, trước hết, phải giữ được chất của nhà khoa học là vậy.
Câu chuyện đó, không ngờ người dân nhớ rất lâu. Sau này, khi con trai của tôi cũng vào vùng đó công tác, người dân liền bảo: “Ồ, thì ra là con của Ma Huỳnh (ông Huỳnh)”.
"Như vậy, chỉ cần một hành động “nêu gương” thực tế, có tác dụng tuyên truyền rất lớn. Và một trong những điều hạnh phúc nhất của tôi đến giờ, đó là tôi đã giữ được "chất" của nhà khoa học, không làm điều gì hổ thẹn với lương tâm”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ.
Mong nhà khoa học không bị gò bó, mất đi sự sáng tạo
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết, một trong những điều khiến ông trăn trở nhất hiện nay đó là vấn đề đầu tư cho khoa học công nghệ, trong đó có đào tạo con người.
So với thời bao cấp, khoa học công nghệ của nước ta có những bước tiến rất lớn. Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm tới vấn đề phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay, đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn ở mức thấp, chưa đạt được 2% GDP như chủ trương của Nhà nước (chỉ ở mức trên dưới 1%).
Trong khi đó, một nền khoa học công nghệ phát triển sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: thứ nhất là chất xám, con người, thứ hai là máy móc, thiết bị. Hiện tại, dù đã có những kết quả đáng ghi nhận, nhưng về cơ bản, hai yếu tố này đều chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt cho mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
GS.TSKH Dang Huy Huynh:
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đã được trao nhiều giải thưởng danh giá. Trong đó, có Giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam về khoa học công nghệ. Ảnh: Mai Loan.
Lấy ví dụ trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta vẫn phải nhập khẩu vắc xin. Trong khi đó, từ năm 1962, Việt Nam đã chế tạo thành công vắc xin bại liệt sống giảm độc lực bằng công nghệ nuôi cấy trên tế bào thận khỉ tiên phát, đã làm giảm tỷ lệ mắc, tử vong, không có các vụ dịch xảy ra. Không những vậy, lại còn để xảy ra vụ Việt Á rất đau lòng.
“Điều đó cho thấy, cả về công nghệ và đào tạo con người chúng ta chưa đáp ứng được. Đặc biệt là về đào tạo con người, cần phải có được những con người biết đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, tâm huyết với dân tộc, đất nước, không làm những điều trái với đạo đức. Tuy rằng, đó chỉ là vụ việc với một số cá nhân, nhưng nó ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của người dân. Cho nên, mặc dù chủ trương đã có, nhưng tôi rất mong có sự đầu tư hơn nữa cho khoa học, cả cho đào tạo và công nghệ”, ông Huỳnh nói.
Cùng với đó, về vấn đề cơ chế, chính sách, cũng cần tạo điều kiện để các nhà khoa học được toàn tâm, toàn ý làm khoa học và có mức thu nhập tương xứng, đủ sống.
Chẳng hạn, việc giao các đề tài nghiên cứu, quan trọng là nhà khoa học sẽ ra được sản phẩm có hiệu quả thế nào, còn việc nhà khoa học chi tiêu ra sao, chỉ cần đúng luật, còn đừng quá gò bó.
“Nếu gò bó quá khiến người ta không muốn làm. Mà đã không muốn làm thì sẽ không thể có sáng tạo, sáng kiến”, GS Huỳnh cho hay.
Theo GS Huỳnh, một điều đáng lưu ý trong chính sách, đó là cần có sự kết nối giữa các thế hệ, không tách rời giữa người già và trẻ. Theo đó, phải có cơ chế động viên, khuyến khích người già giúp người trẻ, và người trẻ cần tôn trọng, học hỏi từ người già. Có như vậy, sẽ có sự tiếp nối, không lãng phí chất xám.
Về phía người làm khoa học, cũng cần luôn luôn rèn luyện đạo đức của người làm khoa học. Theo đó, khi thấy việc mình làm không có lợi cho dân thì phải dừng lại. “Người làm khoa học phải luôn nghĩ tới việc làm của mình phục vụ cho ai. Chẳng hạn, khi chế tạo ra được một sản phẩm giúp ích cho người dân thấy hạnh phúc; hơn là việc làm được tiền nhưng để người dân nghèo khổ, đó chính là đạo đức”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nói.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ, ông rất tin vào thế hệ trẻ. Bởi trong kháng chiến, chính thế hệ trẻ đã hy sinh xương máu, vượt qua bao gian khổ để có được đất nước như ngày hôm nay. Tuy nhiên, để thế hệ trẻ phát huy được hết thế mạnh của mình, thì những người làm quản lý phải biết động viên, khuyến khích, lắng nghe ý kiến của thế hệ trẻ, kể cả những ý kiến ngược chiều. Bởi vì, hế hệ trẻ hiện nay tiếp cận được nhiều thông tin, suy nghĩ có thể khác, đa chiều.

Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phan Văn Tân chia sẻ về ý nghĩa của công trình đầu tiên về hạn hán trên khu vực Đông Nam Á". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan