Mục đích của động thái này là để xoa dịu lo ngại về kế hoạch của Tokyo xả ra biển nước đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 bị hư hại. Nước thải phát sinh từ nhà máy điện hạt nhân bị hư hại nói trên được chứa trong các bồn đặt trong khuôn viên nhà máy, dự kiến sang năm sẽ không còn chỗ chứa nữa.
Theo Đài NHK của Nhật Bản, nước thải đã được xử lý bằng Hệ thống Xử lý Chất lỏng Tiên tiến (ALPS) để loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ, nhưng vẫn còn chất phóng xạ triti.
Trước khi xả ra biển, nước sẽ được pha loãng để nồng độ triti thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia và sẽ bằng khoảng 1/7 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về nước uống.
Tuy nhiên, kế hoạch xả nước này của Chính phủ Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ cộng đồng ngư dân địa phương, các nhà hoạt động chống hạt nhân cũng như các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trả lời phỏng vấn Đài NHK, ông Grossi nói rằng, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức đề nghị IAEA hợp tác liên quan đến kế hoạch này. Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết, cơ quan này có thể cử một nhóm chuyên gia từ nhiều nước khác nhau để giúp giải toả các lo ngại bằng cách xác minh quy trình xả nước đã qua xử lý là an toàn.
“Chúng ta có thể sẽ tiếp nhận chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau từ các nước và khu vực khác nhau. Mọi lo ngại nghiêm trọng sẽ có dịp được thảo luận và phân tích về mặt kỹ thuật”, ông Grossi nói và nhấn mạnh, không thể bỏ qua những lo lắng của một số cư dân địa phương và các nước láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc.
“Về những lo ngại này, chúng ta có thể đồng tình hoặc không đồng tình, nhưng tất cả phải được xem xét một cách nghiêm túc. Chúng ta có trách nhiệm chung”, ông Grossi nói thêm.
Theo Anninhthudo