Khoảnh khắc hiếm thấy cá mập miệng to xuất hiện ngoài khơi

Google News

Người đi câu may mắn ghi lại hình ảnh hai con cá mập miệng to siêu hiếm xuất hiện ngoài khơi bờ biển San Diego, Mỹ.

Một con cá mập megamouth, hay còn được gọi là cá mập miệng to siêu hiếm xuất hiện ở bờ biển nước Mỹ.
David Stabile đi câu cùng hai người bạn Val Costescu và Andrew Chang ngoài khơi bờ biển San Diego. Khi đến khu vực cách bờ biển khoảng 48 km, họ kinh ngạc nhìn thấy những con cá mập miệng to.
Khoanh khac hiem thay ca map mieng to xuat hien ngoai khoi
 
Những con cá mập miệng to rất khó nắm bắt vì chúng thường sống ở vùng nước sâu. David Stabile và nhóm bạn may mắn khi tận mắt nhìn thấy và quay lại được video về loài cá mập siêu hiếm này.
David Stabile cho biết: "Tôi đi câu cùng bạn bè ngoài khơi bờ biển San Diego thì trông thấy những con cá mập quý hiếm. Chúng tôi lấy điện thoại ra quay lại video, có hai con cá mập cùng xuất hiện. Đây là một trong những sinh vật khó nắm bắt nhất hành tinh".
Video chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy những con cá mập từ từ bơi lại gần thuyền. Một con bơi gần mặt nước hơn, trong khi con còn lại di chuyển phía dưới, trong phần bóng của con phía trên.
Cá mập miệng to có tên khoa học là megachasma pelagios, là loài cá mập nước sâu, hiếm khi con người quan sát được. Đặc điểm nổi bật của loài này là chiếc đầu và miệng rất to và đôi môi dai như cao su. Loài cá mập này có thể sống tới 100 năm tuổi. Là một trong những loài cá mập lớn nhất, có chiều dài lên tới gần 5 mét và có trọng lượng khoảng 1.225 kg.
Chúng sống ở các vùng biển sâu, có khi cách mặt nước 4,5 km. Từ lúc phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tới năm 2012, người ta chỉ trông thấy hoặc bắt được 54 cá thể cá mập miệng to trên thế giới.
Alison Schulman-Janiger, nhà nghiên cứu, làm việc tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Los Angeles giải thích rằng: "Hai con cá mập trong video có thể là một cặp đôi giao phối. Một con đực với vây ngực bên trái bị thương và một con cái".
Bảo tàng lịch sử tự nhiên Los Angeles là một trong những nơi đang trưng bày một cá thể cá mập miệng to hiếm hoi bị bắt ở ngoài khơi đảo Santa Catalina.
Dovi Kacev, nhà nghiên cứu của Viện Hải dương học Scripp chia sẻ rằng cá mập miệng to dành phần lớn thời gian ở vùng nước sâu xa bờ. Đôi khi người ta phát hiện ở các vùng biển gần Nam Phi, Philippines.
"Vẫn còn nhiều bí ẩn chưa có lời giải thích về loài cá mập này vì chúng dành phần lớn thời gian ở dưới nước, rất khó nắm bắt", Dovi Kacev nói.
Theo Hoàng Dung/ Infonet