Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp” do Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) tổ chức.
|
Toàn cảnh buổi Hội thảo. |
Tháo gỡ kịp thời khó khăn, tiếp tục hoàn thiện thể chế
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Quang Huy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có những bước phát triển nhanh, có những kết quả đáng ghi nhận.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn Giám sát phát biểu khai mạc hội thảo. |
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Chính vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giám sát chuyên đề về vấn đề này và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”.
Tại Hội thảo ngày hôm nay, Đoàn giám sát muốn nghe các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng thực thi các chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp cụ thể.
“Từ đó, Đoàn giám sát sẽ có thêm cơ sở để trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những đề xuất, kiến nghị thật sự “đúng” và “trúng”, vừa giúp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trước mắt, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn là chuyển dịch năng lượng thành công theo hướng công bằng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước ta”, ông Huy cho hay.
|
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thành viên Đoàn giám sát. |
Phát biểu tại Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam, thành viên Đoàn giám sát cho hay, Việt Nam là một nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng cao, vì thế, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Tương ứng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu năng lượng cũng tăng mạnh. Trong đó, giai đoạn 2016-2020, nhu cầu này tăng khoảng 10-11%.
Do sự phát triển nhanh kèm theo sử dụng một lượng lớn năng lượng, vì thế phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng lượng phát thải của Việt Nam năm 2010 và dự ước sẽ chiếm khoảng 73% và 80% vào năm 2030 và 2045 tương ứng.
Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với tư cách là một một tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, trong thời gian qua đã tham gia tư vấn, góp ý, cung cấp tư liệu cho nhiều hoạt động giám sát chuyên đề hoặc xây dựng luật, pháp lệnh của các ủy ban của Quốc hội.
“Hy vọng rằng, tại Hội thảo này, với những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những tư liệu quý báu để kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng Việt Nam bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội đất nước”, ông Dũng cho hay.
Cần sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII
Tại Hội thảo, các ý kiến cũng đánh giá tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong từng lĩnh vực, phân ngành năng lượng: than, dầu khí, điện…
Làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan. Đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể, phù hợp, khả thi để hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật với mục tiêu giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc hiện nay; đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian vừa qua, ngành điện đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, lưới điện phủ gần 100% các địa phương trên cả nước, với giá điện tương thấp hơn so với các nước trong khu vực, góp phần hạn chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Dù vậy, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cũng phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn, thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.
GS Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam cho hay, Quy hoạch phát triển năng lượng (QHPTNL) là thành phần quan trong trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Nội dung chính của QHNL là điều tra, tính toán, lập cân bằng cung cầu với từng dạng năng lượng để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn khác nhau.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII – QHĐ VIII) được Viện Năng lượng lập, đang trình Nhà nước thông qua. Trong đó, có nội dung về Nhiệt điện than, Điện mặt trời và gió.
Ông Long đề nghị, cần sớm phê duyệt QHĐ VIII, nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghệ và tài chính. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho phát triển Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), sớm có quy định rõ ràng về điều kiện kỹ thuật, tiêu chuẩn, kết nối với lưới điện…
Đặc biệt, "giá điện cần được tính toán đầy đủ, rõ ràng, đảm bảo khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận hợp lý ủa chủ đầu tư, thực hiện tốt cơ chế cạnh tranh vf thu hút vốn từ các nguồn đầu tư ngoài nhà nước", ông Long cho hay.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam lưu ý đề nghị Quốc hội cùng với Chính phủ về biện pháp mạnh để xúc tiến việc khai thác than Đồng bằng Bắc bộ dưới dạng khí hóa than, càng sớm càng tốt để có thể hạn chế bớt lượng than và khí đốt nhập khẩu.
Ông Nghĩa cho hay, trữ lượng than Đồng bằng Bắc bộ rất lớn (trên 40 tỷ tấn), trong khi ở Khu mỏ Quảng ninh hiện chỉ còn khoảng 1 tỷ tấn.
Trên thế giới biện pháp khí hóa than ở dưới sâu để cung cấp khí đốt cho các nhà máy điện dùng tuabin khí theo chu trình kết hợp đã được thực hiện ở quy mô công nghiệp, ở Việt nam cũng đã mời Nhật vào nghiên cứu khí hóa than Đồng bằng Bác Bộ, giá thành khí thu được khoảng 6 USD/MBTU.
Theo các số liệu đã công bố, nguồn Năng lượng sơ cấp ở Việt Nam không còn nhiều, than và khí đốt đang phải nhập khẩu thêm, nguồn thủy năng đã được khai thác triệt để.
Việc xúc tiến việc khai thác than Đồng bằng Bắc bộ dưới dạng khí hóa than, còn có thể mời gọi nước ngoài vào thăm dò, khai thác và chia sản phẩm, như kêu gọi đầu tư thăm dò khai thác dầu khí.
Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp hội Việt Nam quy tụ hơn 900 trí thức tiêu biểu.
Mai Loan