Mỗi khi ra đường trời nắng, ánh sáng mặt trời chói sẽ ảnh hưởng tới mắt chúng ta. Đặc biệt khi nhìn thẳng trực tiếp vào ánh nắng mặt trời chúng ta cảm thấy mắt nhức, khó chịu.
Khi nhìn thẳng trực tiếp vào ánh mặt trời thì tia cực tím (hay còn gọi là tia UV, tia tử ngoại) gây bỏng mắt, ảnh hưởng giác mạc, đục thủy tinh thể...
Tác hại đầu tiên của tia cực tím có thể gây bỏng mắt. Triệu chứng của bệnh là nóng rát mi mắt, cảm thấy cộm, ngứa, khô mắt và chớp mắt liên tục, phỏng rộp các tế bào loại mô. Hiện tượng này xảy ra nhiều có thể dẫn đến tình trạng mờ, lòa, nặng hơn sẽ bị mù.
Ban đầu ta cảm nhận thấy tia cực tím chỉ ảnh hưởng mi mắt, giác mạc. Tuy nhiên nếu bị nặng, tia UV sẽ ảnh hưởng thủy tinh thể gây đục thủy tinh thể. Ngoài ra, việc phá hỏng các tế bào nội mô của võng mạc sẽ dẫn đến việc thoái hóa điểm vàng và nhiều bệnh về mắt hơn.
|
Nhìn chằm chằm vào mặt trời sẽ không tốt cho mắt. Ảnh: Internet. |
Theo các nhà khoa học vào giây phút bạn “đọ mắt” với ánh mặt trời thì nhãn cầu của bạn sẽ bắt đầu bị bỏng. Cụ thể, trong ba loại tia mà mặt trời sản sinh ra (tia sáng nhìn thấy được, tia hồng ngoại và tia cực tím), thì tia cực tím – UV là tia ảnh hưởng nặng nề nhất tới cấu trúc của mắt, đặc biệt là khi chúng bị phản chiếu lại thông qua bề mặt cát, tuyết hoặc nước.
Các tế bào trong giác mạc (lớp mỏng trong suốt nằm ngoài cùng của mắt) sẽ bị bỏng và phồng lên, rồi nứt ra trước tác động của tia cực tím, cũng giống với da người khi cháy nắng vậy. Triệu chứng bệnh này được biết tới với cái tên viêm giác mạc ánh nắng (photokeratitis), thường sẽ xuất hiện vài tiếng sau khi tổn thương mắt bởi ánh nắng trực tiếp diễn ra.
Nhìn thẳng vào mặt trời rất có hại, bởi vậy mối khi đi ra đường trời nắng bạn có thể bảo vệ mắt mình bằng cách như đội mũ, nón rộng vành, che kín mặt, đeo kính chống tia cực tím.
Ngoài ra bạn cũng nên bảo vệ mắt ngay cả khi trời râm hoặc nhiều mây do tia xạ trong ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua mây mù gây hại cho chúng ta quanh năm chứ không phải chỉ riêng ngày hè nắng.
Theo Trúc Chi/Người đưa tin