Trước khi năm 2020 kết thúc, chúng ta sẽ được ngắm Mặt Trăng Lạnh (Cold Moon), và hiện tượng thiên văn này được cho là độc đáo ở rất nhiều khía cạnh. Cho nên bạn nhớ ngắm trăng nhé!
Mặt Trăng Lạnh lần này, đạt độ sáng cực điểm vào ngày 30/12, sẽ là lần trăng tròn thứ 13 và cuối cùng của năm, cũng là lần trăng tròn đầu tiên của một mùa thiên văn mới (mùa thiên văn được tính là bắt đầu vào thời điểm xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí). Ngoài ra, lúc ấy, Mặt Trăng được cho là sẽ ở cao nhất trên bầu trời đêm, khi nhìn từ Trái Đất.
Mặt Trăng Lạnh đang lên vào ngày 12/12/2019 ở New Jersey (Mỹ). Ảnh: Gary Hershorn/ Getty Images.
Theo trang Forbes, thì Mặt Trăng Lạnh năm nay sẽ xuất hiện vào 2 ngày khác nhau, và tùy vào việc bạn ở khu vực nào trên Trái Đất thì sẽ thấy Mặt Trăng đạt độ sáng tối đa vào ngày nào. Ở châu Á Thái Bình Dương, châu Âu và châu Phi thì chúng ta sẽ được ngắm Mặt Trăng sáng nhất vào ngày mai, 30/12. Còn với những ai ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, thì Mặt Trăng Lạnh sẽ xuất hiện vào buổi tối ngày thứ Ba, 29/12.
Mặt Trăng Lạnh ở Bắc Mỹ còn được gọi là Mặt Trăng Đêm Dài, và vì nó xuất hiện sau lễ Giáng Sinh, nên ở châu Âu thì được gọi là Mặt Trăng Sau Noel.
Từ xưa, người ta đã nói rằng vào buổi đêm có Mặt Trăng Lạnh thì trời sẽ rất giá rét. Ảnh: Getty.
Tháng 12 này quả thật có nhiều sự kiện thiên văn đáng chú ý. Vừa hôm 21/12, sao Mộc và sao Thổ đến gần nhau như thể chập vào làm một, được gọi là Ngôi sao Giáng Sinh. Ngoài ra, trong tháng này còn có hiện tượng Nhật thực toàn phần, nhưng chỉ được quan sát thấy ở một số nước.
Cái tên Mặt Trăng Lạnh được đặt ra từ xưa, vì các thổ dân ở Mỹ cho rằng trăng tròn lần này đánh dấu thời điểm có tiết trời rất lạnh giá. Bởi vậy mà bộ tộc người Abenaki còn gọi nó là Mặt Trăng Tạo Mùa Đông.
Sao Mộc (trái) và sao Thổ ở rất gần nhau trên bầu trời. Trong ảnh, chúng ở phía bên trái khách sạn The STRAT tại Las Vegas (Mỹ). Ảnh: CNN.
Mà dường như việc Mặt Trăng Lạnh đánh dấu lúc tiết trời giá rét là hoàn toàn đúng, vì ngày mai miền Bắc lại chuyển lạnh rồi.
Theo Hoahoctro