Từng bước khôi phục ca trù
“Hỡi cô thắt dải bao xanh/ Có về Đồng Trữ với anh thì về/ Đồng Trữ có gốc cây đề/ Có vực tắm mát, có nghề cầm ca…”. Đó là những câu hát vẳng bên tai khi tôi tìm về thôn Đồng Trữ, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) vào những ngày cuối tuần. Hỏi ra mới biết, những câu hát được vang lên từ đình làng của các thành viên trong Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ đang tập luyện cho ngày 2-9 sắp tới. Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ được thành lập năm 2006 do ông Nguyễn Đức Luống làm chủ nhiệm.
|
Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ biểu diễn tại sân đình làng. Ảnh nhân vật cung cấp |
Ông Nguyễn Đức Luống sinh ra trong một gia đình vốn có “nghề cầm ca”, nên ngay từ nhỏ ông đã tiếp xúc với điệu ca trù. Cô ruột, chú ruột, chú rể, thím dâu của ông đều là những ca nương, trước kia từng mở quán hát tại Ba La (Hà Đông). Cũng chính vì thế mà nhịp phách, tiếng đàn và điệu ca trù đã ngấm sâu vào trong tâm trí ông.
Khi bước sang tuổi 20, chàng trai Nguyễn Đức Luống tình nguyện lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc. Những năm trong quân ngũ, ông tham gia nhiều trận đánh, khi trở về quê hương mang theo thương tật. Năm 1976, người bệnh binh 81% này xuất ngũ, về làm Chủ nhiệm hợp tác xã Phú Nghĩa.
|
Ông Nguyễn Đức Luống giới thiệu về Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ. Ảnh: DIỆU HUYỀN |
Do ảnh hưởng của chiến tranh nên “nghề cầm ca” của quê hương ông cũng có nhiều thay đổi. Năm 2001, sau khi ông Luống nghỉ hưu, với tình yêu những lời ca, điệu hát, tiếng đàn của cha ông để lại và được biết đến chương trình bảo tồn nghệ thuật ca trù của Bộ Văn hóa -Thông tin. Ông Luống trăn trở, đau đáu trước sự mai một của ca trù mà bao thế hệ người làng Đồng Trữ đã gây dựng. Vì thế, ông đã từng bước khôi phục “gánh hát” ca trù.
Ông Luống không quản ngại nắng, mưa tìm đến nhà các cụ biết hát ca trù, biết đánh phách, động viên khôi phục lại phong trào hát ca trù. Bên cạnh đó, ông còn vận động thêm một số bạn trẻ trong thôn yêu ca hát tham gia, mời các cụ cao tuổi trong làng đến dạy. Và đến ngày 5-4-2006 thì Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ chính thức ra mắt. Để có nhạc cụ phục vụ cho câu lạc bộ, ông Luống đã tự tay làm phách và chủ động bỏ chi phí mua đàn, trống.
|
Những hình ảnh trong lễ ra mắt Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ năm 2006. Ảnh chụp lại: DIỆU HUYỀN |
Ngày ấy, ở Đồng Trữ có cụ Trần Thị Bổng và cụ Trần Thị Gái là những người nhớ được nhiều nhất các bài hát và biết đàn trống, ông Luống đã mời các cụ ngày ngày đến nhà mình hát và phách từng điệu để ghi chép lại. Sau gần một năm, ông đã chép được tổng cộng 37 đoạn bài cổ với 7 làn điệu. Sau khi rà soát từng câu chữ, từng thể cách, biên soạn, ông đã tiến hành in ấn thành tài liệu để hướng dẫn hội viên.
Trăn trở gìn giữ điệu ca trù
17 năm qua, cứ mỗi tối cuối tuần Câu lạc bộ lại tập trung tại nhà ông Luống để tập đàn, hát và truyền dạy nghệ thuật ca trù cho thế hệ trẻ. Từ khi thành lập cho đến nay, Câu lạc bộ đã tham gia nhiều liên hoan ca trù từ cấp tỉnh đến quốc gia và nhận được nhiều khen thưởng.
|
Câu lạc bộ tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014. Ảnh nhân vật cung cấp |
|
Câu lạc bộ tại Liên hoan tài năng trẻ Ca trù Hà Nội năm 2016. Ảnh nhân vật cung cấp |
Câu lạc bộ khi đông nhất có 24 thành viên và em nhỏ nhất theo học là 10 tuổi. Hiện nay, do một số người đã mất, một số người không thể theo được đành phải nghỉ nên giờ chỉ còn lại 13 người.
Mỗi năm, Câu lạc bộ biểu diễn 2-3 buổi các tiết mục ca trù đặc sắc, truyền thống của quê hương cho bà con trong thôn vào những dịp đặc biệt. Cùng với đó là mong muốn sẽ góp phần khơi dậy, thắp lên ngọn lửa đam mê của người dân với ca trù Đồng Trữ.
Điều ông Luống cũng như các thành viên trong Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ trăn trở nhất hiện nay vẫn là đội ngũ kế cận. Hầu hết các thành viên trong Câu lạc bộ hiện giờ tuổi đã ngoài 70, trong khi lớp trẻ thì hầu như không mặn mà gì với ca trù.
Bước sang tuổi 85, sức khỏe ông Luống không như trước, ông đã để bà Tống Thị Hiền (thành viên tích cực trong Câu lạc bộ) giữ chức chủ nhiệm thay mình. Nhưng khi Câu lạc bộ có việc cần, ông vẫn luôn ở phía sau hỗ trợ hết mình. Chia sẻ về tâm nguyện lớn nhất lúc này, ông Luống bày tỏ: “Tôi mong sẽ có các bạn trẻ tham gia vào Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ vì hiện nay các thành viên trong Câu lạc bộ tuổi đã cao, sẽ đến ngày không còn sức để biểu diễn và truyền dạy lại các điệu ca trù. Khi có các bạn trẻ tham gia thì tôi yên tâm rằng, dù chúng tôi có già yếu thì các bạn trẻ có thể tự truyền dạy cho nhau và gìn giữ mãi làn điệu ca trù Đồng Trữ”.
Bà Tống Thị Hiền (72 tuổi) – Chủ nhiệm mới của Câu lạc bộ ca trù Đồng Trữ cho biết: “Chúng tôi là người nông dân, sáng đi trồng rau, tưới rau đến mùa gặt thì đi cấy, đi gặt… Chúng tôi rất đam mê ca trù vì các bà, các mẹ chúng tôi ngày xưa đều là những ca nương của làng. Tôi đã học ca trù để theo bà, theo mẹ gìn giữ di sản văn hóa ca trù mãi mãi ở Đồng Trữ không bao giờ mất đi”.
Chính những người nông dân bình dị nơi làng quê Chương Mỹ đang góp phần to lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa tốt đẹp. Họ đang cố gắng giữ và truyền lại ngọn lửa đam mê cho các thế hệ tiếp nối hôm nay. Tìm lại danh tiếng giáo phường ca trù là góp phần khẳng định sức sống bền bỉ của văn hóa Việt. Những người nông dân đã và đang làm những việc tưởng bình thường nhưng lại có giá trị vô cùng sâu sắc, lớn lao.
Theo Diệu Huyền/Quân đội Nhân dân