1. Những tảng đá nguyên khối không rõ nguồn gốc
|
Ảnh: BrightSide
|
Hai tảng đá nguyên khối này được phát hiện trong năm 2020. Một khối được nhìn thấy ở khu vực hẻo lánh của Công viên địa chất Red Rock Canyon, Utah. Khối đá này đã biến mất một cách bí ẩn như khi nó xuất hiện. Tảng đá còn lại được phát hiện ở Piatra Neamt, Romania.
Khi hình ảnh của những khối đá được chia sẻ rộng rãi, nhiều tranh luận đã nổ ra xoay quanh nguồn gốc của chúng. Một số người cho rằng, đây có thể là khối đá màu đen bí ẩn được đề cập trong cuốn tiểu thuyết 2001: A Space Odyssey. Theo tác phẩm khoa học viễn tưởng, tảng đá được đặt trên Trái đất 3 triệu năm trước bởi một chủng tộc người ngoài hành tinh, nhằm phát triển sự sống thông minh. Đến nay, sự thật về các tảng đá này vẫn còn là “ẩn số”.
2. “Quá khứ” của Nam Cực
|
Ảnh: BrightSide |
Nam Cực được biết đến là lục địa lạnh lẽo và xa xôi nhất trên thế giới. Chắc hẳn không ai có thể tưởng tượng nơi đây từng là một vùng ấm áp với cây cối xanh tốt, nhiều loài chim, động vật biển và thậm chí cả khủng long sinh sống. Tuy nhiên, gần đây giới khoa học đã thu thập được các hóa thạch và gỗ nhiệt đới trên đảo James Ross, bán đảo Nam Cực, có niên đại 71 triệu năm.
3. Nền văn minh đã mất ở sa mạc Kalahari
|
Ảnh: BrightSide |
Vào cuối thế kỷ 19, nhà phát minh William Leonard Hunt (hay còn gọi là The Great Farini) đã mạo hiểm thực hiện chuyến thám hiểm đến sa mạc Kalahari bằng chân. Trên suốt hành trình, Farini tuyên bố đã phát hiện những tàn tích cổ xưa của một nền văn minh đã mất.
Khám phá này đã gây ra sự quan tâm lớn đối với các nhà thám hiểm thời đó. Nhiều cuộc thám hiểm đã diễn ra để kiểm chứng thông tin này, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được giải đáp.
4. Các bản khắc cổ bị trôi dạt vào bờ biển Mexico
|
Ảnh: BrightSide |
Những bức tranh khắc đá bí ẩn nổi tiếng nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, phần phía Nam của bang Sinaloa, Mexico. Khoảng 4.000 bản khắc mô tả hình người, động vật và trừu tượng cùng các hình tròn, xoắn ốc và hình chữ thập. Chúng có niên đại từ năm 1.000 TCN đến năm 300 SCN. Đến nay, nguồn gốc và ý nghĩa của các bản khắc vẫn chưa được giải mã.
5. Dấu chân của sinh vật khổng lồ trong một ngôi đền ở Syria
|
Ảnh: BrightSide |
Đền Ain Dara tọa lạc tại Syria, nổi tiếng với những dấu chân kỳ lạ được tìm thấy trên khắp lối vào. Kích thước của các dấu chân này gấp 3 lần so với chân người. Hiện nay, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra xung quanh các giả thuyết hình thành nên dấu chân này. Người dân bản địa tin rằng, đây có thể là dấu tích của một vị thần đang bước vào ngôi đền.
6. Công nghệ tiên tiến từ đại dương sau một thiên niên kỷ
|
Ảnh: BrightSide |
Cỗ máy Antikythera là một thiết bị cơ khí Hy Lạp cổ đại, được khôi phục vào năm 1901 từ một con tàu đắm gần đảo Antikythera. Thiết bị được sử dụng để theo dõi các hiện tượng thiên văn như chu kỳ của Hệ Mặt trời, chuyển động của các hành tinh, được ví như chiếc “đồng hồ thiên thể”. Với công nghệ tiên tiến so với thời bấy giờ, nguồn gốc của cơ chế này vẫn là một bí ẩn đối với khoa học hiện đại.
Phần còn lại của “chiếc máy tính” cổ đại này hiện được trưng bày trong Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia ở Athens.
7. Quả cầu đá ở Costa Rica
|
Ảnh: BrightSide |
Những tượng đài hình cầu bằng đá khổng lồ này là công trình của một nền văn minh tiền Colombia, có niên đại từ năm 600 TCN. Theo các nhà khảo cổ học, tác phẩm được chạm khắc bằng cách sử dụng những viên đá khác nhỏ hơn.
Nhiều người suy đoán rằng, những viên đá này đã từng được sử dụng để chỉ đường hoặc phục vụ nghiên cứu thiên văn. Tuy nhiên, mục đích thực sự của những quả cầu này vẫn còn là một bí ẩn vì nền văn minh tạo ra chúng đã biến mất cách đây rất lâu.
8. Khu đền Gobekli Tepe
|
Ảnh: BrightSide |
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một khu đền cổ đại ở Thổ Nhĩ Kỳ, được gọi là Gobekli Tepe. Quần thể kiến trúc này gồm những cột đá chạm khắc hình ảnh phong cảnh, động vật, có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 10 TCN. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy con người đã xây dựng các ngôi đền từ rất lâu trước khi họ bắt đầu định cư lâu dài tại các thị trấn. Khu đền này đã được công nhận là di sản thế giới vào năm 2018.
Theo Viettimes