"Sản phẩm phụ" của chất khử trùng?
Thực tế khảo sát, phân tích thành phần nước cấp tại một số địa điểm khu dân cư trên địa bàn TPHCM như quận Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp... (địa bàn sử dụng nguồn nước thô từ sông Sài Gòn), nhóm các nhà khoa học Khoa Môi trường, trường Đại học Bách khoa TPHCM đã phát hiện có tới 49% mẫu nước cấp có nồng độ trihalomethanes (THMs) cao vượt chuẩn cho phép nhiều lần.
Nồng độ THMs trung bình lần lượt là từ 391 - 973µg/l và 1.662µg/l. Trong khi đó, cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ thiết lập nồng độ tối đa của tổng hợp 4 chất THMs có trong nước là 80µg/L, tiêu chuẩn của Bộ Y tế Việt Nam quy định 460µg/l.
TS Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, THMs sinh ra do sự phản ứng hoá học giữa các chất hữu cơ có mặt trong nước với liều lượng chlorine sử dụng tại nhà máy, hoặc chlorine tự do trên đường ống phân phối. Sự hình thành THMs phụ thuộc vào các yếu tố như lượng chlorine sử dụng, nhiệt độ nước, pH và thời gian nước di chuyển trong đường ống.
Ngoài ra, còn phụ thuộc vào mùa trong năm, vị trí địa lý của từng khu vực, tổng carbon hữu cơ, ammonia, nồng độ ion brôm... Liều lượng chlorine sử dụng càng lớn thì nồng độ THMs trong nước càng cao. Trong quá trình phân phối nước, lượng chlorine đưa vào khử trùng sẽ tiếp tục phản ứng với các hợp chất hữu cơ hòa tan trong nước làm cho nồng độ của THMs tăng lên. Do đó, khoảng cách từ bể chứa đến nơi tiêu thụ khác nhau cũng làm thay đổi nồng độ THMs trong nước.
|
Hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai là hai sông lớn cung cấp nước đầu nguồn cho nhiều nhà máy nước của TPHCM đang bị ô nhiễm nặng. |
Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, THMs được tìm thấy nhiều trong công nghiệp như trong các dung môi hữu cơ hay chất làm lạnh. Riêng quá trình khử trùng nước sinh hoạt bằng chlorine thường phát sinh ra 4 dạng của THMs. Chlorine là một chất khử trùng rẻ tiền nhất và hiệu quả, nhưng khi nước đầu vào bị nhiễm hữu cơ sẽ dẫn đến việc hình thành các sản phẩm phụ như THMs hoặc haloacetic acids (HAAs), dioxin là những chất có khả năng gây ra ung thư, sảy thai, đột biến.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu nước uống có phát sinh chlorofrom có thể gây biến chứng như ung thư bàng quang, ruột và trực tràng. Nếu chứa hàm lượng THMs cao có khả năng gây đột biến gen.
|
Nhiều hộ dân phơi nước để bớt mùi clo trước khi dùng cho việc nấu ăn. |
Phải xử lý ô nhiễm nước đầu nguồn
Từ lâu, các chuyên gia lĩnh vực môi trường nước đã báo động về sự ô nhiễm nguồn nước tại hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Hai con sông này chảy qua 11 tỉnh, thành, tác động trực tiếp đến hơn 20 triệu người, phần lớn thuộc lưu vực và cũng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho TPHCM.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường, Đại học Quốc gia TPHCM, chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai hiện nay đang bị suy giảm mạnh. Nồng độ các chất như chì (Pb), cadimi (Cd), hàm lượng sắt, dầu và oxy hóa luôn vượt tiêu chuẩn cho phép gần 10 lần.
Nồng độ coliform trên sông Đồng Nai đo được dao động từ 230 - 240.000MPN/100ml, vượt tiêu chuẩn cho phép đến hàng trăm lần. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước sông là nước thải sinh hoạt, chiếm gần 90% tổng lượng chất thải bị thải ra sông. Số còn lại là do nước thải từ hoạt động sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, các bãi chôn lấp rác, hoạt động giao thông đường thủy và bệnh viện.
GS.TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường, trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng, khâu xử lý nước đầu nguồn rất quan trọng. Cần khử chất hữu cơ trong nước đầu nguồn xuống dưới mức tiêu chuẩn cho phép, nhất là phải thay đổi phương pháp xử lý nước. Ví dụ, thay vì châm chlorine chất khử trùng rẻ tiền thì thay bằng khử ozone hoặc một số chất khử trùng khác như chất tím, chloramine, thêm hệ thống lọc than hoạt tính sau bể lọc.
Trên mạng lưới phân phối, cần thực hiện các nghiên cứu về đường ống như kiểm tra nồng độ THMs cũng như các chỉ tiêu chất lượng nước thường xuyên, thay thế đường ống mới, nghiên cứu các vật liệu có thể tránh được sự tạo thành các chất hữu cơ trên đường ống.
TPHCM hiện có 3 nguồn nước chính là thượng nguồn sông Đồng Nai, thượng nguồn sông Sài Gòn và nước ngầm. Về sử dụng nước mặt tại sông Đồng Nai công suất 770.000m3/ngày, cung cấp nước sạch cho miền Đông và trung tâm thành phố. Sông Sài Gòn cung cấp cho phía Bắc và Tây thành phố, chạy công suất 300.000m3/ngày.
Sở TN&MT TPHCM
Quỳnh Hương