PGS.TS Phạm Quang Thái và nghiên cứu đặc biệt 100 ngày đầu chống dịch

Google News

Với những đóng góp ý nghĩa, công trình nghiên cứu về COVID-19 của PGS.TS Phạm Quang Thái và các cộng sự đang được đề nghị xét giải Tạ Quang Bửu.

Cuối tháng 1/2020, Việt Nam phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam.Tuy nhiên, tại thời điểm đó, trên thế giới cũng như tại Việt Nam chưa hề có nghiên cứu một cách đầy đủ, tổng thể về loại virus này. Virus có lây từ người sang người không, triệu chứng ra sao, cách phòng tránh thế nào… những thông tin như vậy còn rất ít ỏi. Trong khi đó, bệnh dịch mỗi lúc một lây lan.

PGS.TS Pham Quang Thai va nghien cuu dac biet 100 ngay dau chong dich
PGS.TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Ảnh: Nhân Dân. 

Công trình nghiên cứu "100 ngày đầu tiên kiểm soát virus corona gây SARS-CoV-2 tại Việt Nam" của PGS.TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cùng các cộng sự (được đề cử Giải Tạ Quang Bửu năm 2022) đã bắt đầu trong bối cảnh đó.

Để đưa ra được những kết luận quan trọng, nhóm nghiên cứu đã không bỏ sót bất cứ một ca bệnh nào trong vòng 100 ngày kể từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện.

270 ca nhiễm đầu tiên đã được nhóm phân tích dữ liệu lâm sàng và nhân khẩu học, cũng như biện pháp kiểm soát của chính phủ, bao gồm số lượng các xét nghiệm, các trường hợp bị cách ly. Nhóm sử dụng dữ liệu di động của Apple và Google cung cấp để ước lượng mức độ di chuyển của dân số. Nhóm cũng sử dụng dữ liệu để ước tính tỷ lệ của ca nhiễm không triệu chứng, mức độ lan truyền và ước tính các giá trị khác nhau của số phát sinh dịch (R0).

TS Thái cho biết, ở thời kì đầu đại dịch, COVID-19 được cho rằng là bệnh lây truyền từ động vật sang người và lây truyền ở người có triệu chứng. Tuy nhiên,  với kinh nghiệm từng trực tiếp tham gia chống dịch SARS năm 2003, TS Thái đã thấy có sự khác biệt giữa hai loại virus này.

Theo đó, khi dịch SARS xuất hiện, con đường lây nhiễm chủ yếu qua giọt bắn, điều hòa không gian kín với tỷ lệ tử vong cao tới 20%, triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, SARS không thể gây ra đại dịch. Còn SARS-CoV-2 lại khác.

Từ nghiên cứu, TS Thái và các đồng nghiệp rút ra được các kết luận quan trọng, đó là: COVID-19 lây dễ dàng từ người sang người, lây từ khi F0 chưa có triệu chứng và hệ số lây nhiễm liên quan rất nhiều đến chiến lược chống dịch.

Khi đó, ở Việt Nam áp dụng truy vết và cách ly từng ca. Vì thế, trong khi hệ số lây nhiễm thế giới từ 2,1 đến 6, thì Việt Nam chỉ hơn 1.

Nếu hệ số lây nhiễm dưới 1 thì dịch sẽ sớm kết thúc, hệ số bằng 1 thì dịch còn nhưng có thể "khoanh" được, còn hệ số càng lớn thì dịch càng lây.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu đã góp phần lớn vào công tác phòng chống dịch như thay đổi chiến lược sàng lọc tại sân bay: kiểm soát người di chuyển qua đường hàng không, biên giới, cách ly cẩn trọng, xét nghiệm thay vì chỉ đo thân nhiệt. Việc truy vết kỹ càng kết hợp với kiểm dịch nghiêm ngặt và các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế đã góp phần giúp Việt Nam khống chế dịch an toàn trong một năm đầu tiên.

TS Thái mô tả, ở giai đoạn đầu, Việt Nam chống dịch ở thế "không có vũ khí trong tay”, thiếu cả máy thở lẫn chuyên gia vận hành máy móc.  Khi chưa có vaccine chúng ta không có cách nào khác là phải thực hiện chiến lược zero Covid-19 để ngăn lây lan và tử vong.

"Hiểu biết về cách lây truyền và bản chất của virus góp phần quan trọng cho khoa học bởi nếu không biết khả năng lây nhiễm sẽ không thể đưa chiến lược ứng phó", TS Thái nói.

Khi đăng tải trên tạp chí hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Clinical Infectious Diseases (Mỹ), ngay lập tức công trình đã gây chú ý. Nghiên cứu cũng được trích dẫn 66 lần ở các bài báo đăng trên tạp chí khoa họ. Công trình được nhắc lại trên các kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC, The Washington Post... như một thành công của chiến lược chống dịch tại Việt Nam.

Theo TS Thái, kết quả về lây truyền không triệu chứng đã được Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ sử dụng để khuyến cáo các biện pháp kiểm soát dịch nói chung.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 gồm ba đề cử chính: GS.TSKH Ngô Việt Trung - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu - Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM); PGS.TS Phạm Quang Thái - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế).

Giải thưởng trẻ gồm hai đề cử: TS Đoàn Lê Hoàng Tân - Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (Đại học Quốc gia TP.HCM); TS Trần Tiến Anh - Trường đại học Hàng hải Việt Nam.

Dự kiến công trình thắng giải sẽ được công bố và được trao thưởng vào Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 tại Hà Nội.

 

Mời quý độc giả xem video: "F0 và F1 tự điều trị, cách ly COVID-19 tại nhà cần chú ý những gì?". Nguồn: AloBacsi.

 

Nguyễn Mai (TH)