Sự thật những xác chết sinh vật bị vôi hóa
Hồ Natron là hồ nước mặn thuộc địa phận phía Bắc của Tanzania, gần với biên giới Kenya. Hồ Natron là một trong những hồ nước nổi tiếng có vẻ đẹp kỳ ảo với màu đỏ tươi. Tuy nhiên, nơi đây còn được biết đến nhiều hơn với cái tên "hồ Tử Thần". Lý do hồ có tên gọi chết chóc như vậy là từ hàng nghìn năm nay, bất kỳ loài vật nào sảy chân ngã xuống hồ, xác của chúng đều bị hóa đá trong một thời gian ngắn.
Trên thực tế, hồ Natron là một hồ nước tù, nước chỉ có thể bốc hơi mà không có sự trao đổi với bên ngoài. Nước hồ có một chất hóa học có tên là Natron - hỗn hợp với thành phần chính là Natri Bicacbonat (NaHCO3) và Natri Cacbonat (Na2CO3). Chất này đi vào hồ thông qua các vật chất xói mòn từ các ngọn đồi xung quanh. Do không thể thoát đi mà cứ bốc hơi nên nước trong hồ có nồng độ kiềm rất cao.
Với lượng pH vào khoảng 9 - 10,5 và nhiệt độ nước có thể lên tới 140 độ F (60 độ C), người ta tin rằng, hồ Natron không phải là ngôi nhà lý tưởng cho các động vật ghé chân. Hơn thế, chúng có thể mất mạng bất cứ lúc nào nếu chẳng may sa chân xuống mặt nước.
"Thủ phạm" gây ra hiện tượng kỳ lạ trên tại hồ Natron là ngọn núi lửa một triệu năm tuổi, có tên gọi Ol Doinyo Lengai, nằm ở phía nam hồ Natron. Dung nham từ ngọn núi chảy xuống mang theo lượng muối khoáng đặc biệt. Xác các con vật rơi xuống hồ được bảo quản rất tốt, vốn được bọc trong những lớp xi măng bằng muối.
Theo tìm hiểu, sự kết hợp hóa học của các hóa chất trong nước hồ chính là nguyên nhân đã làm hóa đá các sinh vật như chim, dơi...
Hồ Natron cũng là một nơi khá khắc nghiệt với con người. Nhiệt độ ở đây khá cao, nồng độ muối lớn nên bầu không khí càng khô và nóng hơn khiến người đến đây nhanh chóng bị mất nước và rơi vào tình trạng mệt mỏi.
Hồ tử thần Natron vẫn có những loài vật may mắn sinh sống
Mặc dù được mệnh danh là chiếc hồ tử thần khiến mọi sinh vật sống hóa đá khi rơi xuống như hồ Natron vẫn có một số rất ít loài sinh vật may mắn tồn tại được ở môi trường khắc nghiệt này.
Hiện nay, có 3 loài sinh vật sinh sống ở hồ Natron đó là vài loại tảo, vi khuẩn đặc hữu và chim hồng hạc. Không những sinh sống tốt trên chiếc hồ nhuốm đỏ mà đây còn là nơi lý tưởng cho chim hồng hạc làm tổ trong mùa sinh sản. Chính vì lý do đó, mỗi năm vào mùa sinh sản, hồ Natron là nơi tập trung của hơn 2,5 triệu con hồng hạc.
Mặc dù sinh sống được ở một môi trường khắc nghiệt như hồ Natron nhưng loài hạc này cũng đang rơi vào tình trạng bị đe dọa bởi chúng không có một môi trường lý tưởng nào khác để sinh sản ngoại trừ chiếc hồ tử thần.
Môi trường kiềm của hồ Natron là một cái bẫy tuyệt vời để hồng hạc có thể chống lại những kẻ thù cố gắng tiếp cận tổ của chúng. Không gian chết chóc của hồ Natron mang lại sự yên bình cho chim hồng hạc sinh sản.
Ngoài hiện tượng phân hủy động vật một cách nhanh chóng, biến chúng thành những xác ướp nguyên vẹn thì hồ Natron còn nổi tiếng với một màu đỏ chết chóc. Màu đỏ này tươi tựa như máu được tạo ra bởi các loài vi khuẩn đặc biệt chỉ có ở nơi đây.
Chính vì vậy, hồ Natron cũng là một thiên đường sáng tạo, khơi nguồn cảm hứng cho các nhà họa sĩ, nhiếp ảnh gia và những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.
Theo Nguyễn Linh/Kinh tế Môi trường