Theo nhiều nghiên cứu mới nhất, những người thành đạt không phải là người có chỉ số IQ cao nhất mà là người có chỉ số EQ cao nhất. EQ thể hiện khả năng thấu hiểu chính mình và khả năng thấu hiểu người khác, đồng thời chỉ số EQ cao còn thể hiện khả năng chế ngự cảm xúc.
Do vậy người EQ cao là người dễ thích nghi, dễ nhận được sự hợp tác, đề bạt, luôn tìm được sự hòa hợp trong một tập thể. Sức mạnh tiềm thức là một trong những cuốn sách giúp bạn đọc nhiều thế hệ rèn luyện được tâm thức và nâng cao chỉ số EQ bản thân để những mối quan hệ xã hội và hôn nhân luôn cân bằng, viên mãn.
Suy nghĩ tiêu cực sẽ tàn phá sức khỏe và tinh thần
Muốn được người khác đối xử thế nào thì hãy đối với họ thế ấy”. Chẳng hạn như bạn tỏ ra lịch thiệp và nhã nhặn với ai đó khi họ đang ở văn phòng nhưng khi người đó vừa rời đi, bạn lại chỉ trích họ.
Theo tiến sĩ Joseph Murphy, những suy nghĩ tiêu cực như vậy có sức mạnh tàn phá như thuốc độc lên sức khỏe và tinh thần của bạn. Chúng sẽ cướp đi sinh lực, sự nhiệt tình, sức mạnh, sự dẫn dắt và cả những suy nghĩ tốt lành khác của bạn. Những suy nghĩ và tình cảm tiêu cực ấy lắng sâu và đọng lại trong tiềm thức của bạn sẽ gây ra đủ thứ trắc trở và bệnh tật cho chính cuộc sống của bạn.
Một dẫn chứng rất dễ thấy, có một người đàn ông mỗi khi đọc các bài của tác giả X trên báo A thì luôn nỗi trận lôi đình. Những phản ứng giận dữ và cơn thịnh nộ dồn dập triền miên này như “ đổ dầu vào lửa” cho chứng cao huyết áp của ông ấy. Bác sĩ tâm lý đã khuyên ông ta nên tìm cách giảm bớt sự căng thẳng của mình bằng cách tự điều chỉnh lại cảm xúc của mình nhưng ông ta vẫn chưa làm được.
Tiến sĩ Joseph Murphy đã mời ông ta đến và giải thích về cách vận hành của tâm thức. Rồi ông ta cũng hiểu ra rằng thật khờ khạo khi bỗng dưng lại nổi cơn tam bành với một bài viết trên báo để tổn hại tinh thần và sức khỏe của chính mình.
Ông ta bắt đầu nhận ra rằng cứ nên để cây bút trong chuyên mục nọ có quyền tự do phát biểu ý kiến, cho dù anh có bất đồng với ông ta về mặt chính trị, tôn giáo hoặc bất kỳ phương diện nào khác chăng nữa. Tương tự như vậy, nhà báo kia cũng để ông ta tự do viết thư tới tòa soạn để phản đối công khai những phát biểu của mình.
Ông dần học được rằng mình có thể bất đồng với người khác nhưng không nên bất hòa. Ông đã thức tỉnh trước chân lý đơn giản rằng không bao giờ có chuyện một người hạnh phúc hơn, đau khổ hơn khi bị tác động từ một người nào đó nói hoặc làm, mà chính phản ứng của ông đối với điều đó mới thực sự quan trọng.
Cuốn sách Sức mạnh tiềm thức chỉ ra chính những nhận thức trên đã giúp người đàn ông này xoa dịu những cơn nóng giận vô ý. Ông nhận ra rằng chỉ cần tập luyện chút ít là có thể khống chế được những cơn thịnh nộ của mình.
Những bài báo không còn khả năng quấy nhiễu, khiêu khích, chọc tức ông ta nữa. Chứng cao huyết áp vì thế cũng được kiểm soát tốt hơn nhờ việc tự chủ và thanh thản hơn trong cảm xúc của mình.
Lời cầu nguyện từ tâm thức
Tương tự như vậy, trong những mối quan hệ xã hội lẫn hôn nhân, chỉ cần nhận ra điều gì thực sự quan trọng, có thể bất đồng nhưng không nên bất hòa chính là chìa khóa để giúp những mối quan hệ đó luôn cân bằng.
Đừng bao giờ cho phép bất kỳ ai làm cho bạn sao lãng khỏi ý hướng nội tâm về sự an bình, thanh tĩnh, lành mạnh và rạng rỡ của mình.
Trong nhiều bài phỏng vấn về mối quan hệ của các đồng nghiệp nữ tại nhiều văn phòng công ty, một số cô gái chia sẻ rằng: “Tôi không ưa phụ nữ. Tôi chỉ thích làm việc với đàn ông”. Nhiều cô gái luôn cảm thấy ghét cay ghét đắng một vài phụ nữ trong văn phòng vì nghĩ rằng những người nữ đồng nghiệp đó lúc nào cũng ngồi lê đôi mách, đồn thổi những lời dối trá đầy ác ý về cô.
Nhưng sau đó, nhà nghiên cứu tâm lý học nhận ra rằng, các cô gái đó vẫn hay nói chuyện với những đồng nghiệp khác bằng lối nói kiêu kỳ, hống hách và đầy sự khiêu khích. Trong cách nói của cô có gì đó như sự khoa trương và tạo ra những tác động khó chịu đến một số người khác. Nhưng cô thì không hề nhận ra điều này, cô chỉ chăm chăm nghĩ rằng các đồng nghiệp luôn lấy làm thích thú trong việc gây khó khăn cho cô.
Với những người phụ nữ mắc chứng căm ghét những người phụ nữ khác, tác giả sách đề nghị cô ấy thực hành phương pháp cầu nguyện.
Lời cầu nguyện tác giả khuyên dùng đã được đưa vào sách như: “Tôi suy nghĩ, nói năng và hành động thật đằm thắm, dịu dàng và hòa nhã. Lúc này, tôi chỉ biểu lộ tình yêu, sự thanh thản, lòng khoan dung và sự tử tế đến với mọi người kể cả những người đã chỉ trích và nói xấu về tôi. Tôi gắn kết ý nghĩ của tôi vào sự thanh bình, hòa hợp và hướng tốt lành về tất cả. Mỗi khi tôi sắp có những phản ứng tiêu cực, tôi lại dặn mình rằng: Tôi suy nghĩ, nói năng và hành động theo nguyên tắc hài hòa, lành mạnh và an bình có trong tôi. Và luôn có một trí tuệ sáng suốt dẫn dắt, định hướng, khơi gợi cho tôi trên mọi bước đường đời”.
Kết quả của việc cầu nguyện là cô thư ký Cynthia R mắc hội chứng căm ghét người phụ nữ khác đã thôi cư xử theo lối đầy bất mãn và phẫn nộ thường thấy. Cô đã hiểu ra rằng xúc cảm của chúng ta luôn thể hiện qua lời ăn tiếng nói, hành động, văn phong và qua tất cả mọi phương diện trong đời sống.
Nhờ thường xuyên thực hành những lời cầu nguyện trên mà cuộc sống cô đã thay đổi. Cô nhận thấy bầu không khí đầy chỉ trích và khiêu khích nơi cô làm việc đã dần tan biến. Cô đã khám phá ra một chân lý rằng chúng ta không thể quy kết hay thay đổi bất kỳ ai trên đời này, ngoại trừ chính bản thân ta.
Theo Nguyên Nguyên/ Zing