Suốt hai thập kỷ, đây là vấn đề khiến nhiều du khách than thở khi tới xứ anh đào. Trên một số mạng xã hội chia sẻ video, bạn có thể tìm thấy nhiều bài đăng nói về việc khổ cực trong việc tìm thùng rác ở đây.
Vụ khủng bố khiến thùng rác biến mất
Theo Bloomberg, phần lớn các thùng rác cá nhân lẫn công cộng đã "sạch bóng" khỏi các thành phố của Nhật Bản sau vụ tấn công bằng khí sarin năm 1995.
Aum Shinrikyo hay giáo phái Ngày Tận Thế đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công hóa học nhắm vào hệ thống tàu điện ngầm Tokyo. Vụ tấn công khiến 12 người chết và hơn 1.000 người bị thương do tiếp xúc với độc tố hóa học.
Vụ việc đã khiến tâm lý người dân hoảng loạn. Một phần vì địa điểm tấn công là hệ thống tàu điện ngầm - biểu tượng mạnh mẽ cho sự phát triển và hiện đại của xứ anh đào.
"Máu ộc ra từ mũi của những hành khách đang nằm quằn quại. Họ thở nhanh, chảy nước dãi, đổ mồ hôi và cảm thấy bị bỏng ở mắt. Những hành khách này nằm trong gần 6.000 người dân Tokyo bị nhiễm chất độc thần kinh sarin, loại hóa chất không màu, không mùi, không vị, có thể giết chết con người chỉ trong vài phút", AFP ghi lại sự việc ngày hôm ấy.
|
Nhân viên y tế chữa trị cho những nạn nhân trong vụ tấn công bằng khí độc ở trạm tàu điện ngầm tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Kyodo.
|
Kể từ vụ tấn công này, người Nhật Bản bắt đầu sợ những vật thể lạ xuất hiện ở ga tàu. Do đó, các thùng rác lần lượt được dọn khỏi đây. Dần dần, chúng cũng biến mất luôn trên đường phố và các địa điểm công cộng khác.
Thực chất, các động thái tương tự sau khi xảy ra khủng bố đã được nhiều nơi áp dụng. Theo CityLab, vào khoảng năm 1980 và 1990, London (Anh) hay Paris (Pháp) cũng đã dẹp hết các thùng rác sau vụ đánh bom.
Ở New York (Mỹ), sau vụ khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới năm 2011, các thùng rác cũng bị dẹp khỏi hệ thống tàu hỏa PATH. Hay tại Boston (Mỹ), động thái tương tự cũng diễn ra sau vụ đánh bom năm 2013.
Làm sao khi không có thùng rác?
Câu hỏi được đặt ra là người Nhật Bản xử lý rác thế nào khi các thùng rác trên đường phố bị dẹp bỏ? Khi người dân không có nơi để vứt rác, liệu họ có vứt thẳng ra đường?
Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở Tokyo hay bất kỳ thành phố nào ở Nhật Bản. Người xứ anh đào trở về nhà với chiếc túi đựng đầy giấy gói, chai lọ trên tay.
|
Hệ thống phân loại rác ở Nhật Bản rất nghiêm ngặt. Ảnh: Tofugu.
|
Số rác này sau đó sẽ được vứt vào một thùng chung trong khu nhà hoặc một điểm cố định. Điểm chung là nơi vứt rác đều có những túi khác nhau để phân loại chất thải. Ngoài ra, một số đồ có thể được trả về nơi sản xuất để tái chế. Đây còn gọi là quy tắc xử lý rác thải byzantine.
Một số nơi như thị trấn Kakimatsu ở Shikoku, bạn sẽ phải phân loại tới 44 kiểu rác khác nhau. Việc tuân thủ phân loại rác là bắt buộc và được giám sát nghiêm ngặt. Tờ New York Times từng đưa tin về cặp vợ chồng bị đuổi khỏi căn hộ vì không thực hiện phân loại rác.
Việc dắt chó đi dạo ở Nhật cũng được tờ Washington Post miêu tả là "rất phức tạp". Theo đó, người nuôi chó phải mang chất thải của nó về nhà và xả bằng bồn cầu. Với người đi ôtô, họ phải sử dụng túi đựng phân gắn nam châm để dán vào bên ngoài xe rồi mang về nhà.
|
Thùng rác bắt đầu xuất hiện lại trên đường phố Nhật Bản nhưng vẫn được kiểm soát chặt. Trong ảnh, cảnh sát niêm phong thùng rác trước cuộc thi marathon. Ảnh: Bloomberg.
|
Thực tế, việc tìm thùng rác ở Nhật Bản hiện đã dễ dàng hơn phần nào, nhưng nhìn chung vẫn hiếm. Tại các không gian công cộng như ga tàu, công viên, thùng rác đã trở lại. Dù vậy, nỗi lo ngại về vụ tấn công tương tự vẫn khiến người dân nước này lo lắng khi nhìn thấy chúng.
Theo Zingnews