Cách đây 3 năm, ông Nguyễn Đặng Vinh - một người thợ mỏ ở huyện Vũ Ninh thuộc thị Cửu Giang, tỉnh Giang Tây đã tình cờ tìm thấy một hòn đá đặc biệt trên bãi sông cách nhà không xa. Ông Vinh kể lại rằng, trong lúc dừng chân nghỉ ngơi trong lúc đi dạo ven bờ sông thì bị thu hút bởi một vật thể có hình dáng khác lạ phía trước mặt.
Lần đầu tiên nhìn thấy hòn đá, ông cảm thấy nó thực sự xấu xí nhưng khi quan sát kỹ ông thấy bề mặt của nó dường như bị cháy và có đầy vết lồi lõm. Vốn là người tiếp xúc nhiều với các thể loại đá, ông Vinh biết rằng chỉ những loại đá từ miệng núi lửa mới có màu sậm và bề mặt như thể bị hun dưới nhiệt độ cao như vậy.
Nhưng với nhiều năm kinh nghiệm, ông cho rằng viên đá này vẫn còn nhiều khác biệt với loại đá núi lửa, bề mặt của nó dấu ấn in hằn khá rõ và nó có khả năng là một thiên thạch.
Vì vậy, ông Vinh đã quyết định đem hòn đá tới Thượng Hải kiểm định. Các chuyên gia khảo cổ của Viện Bảo tàng Thượng Hải đã xác định chính xác là một khối vẫn thạch thủy tinh.
Vẫn thạch không được coi là thiên thạch, nó chỉ là phần còn lại của thiên thạch sau khi bay vào khí quyển và rơi xuống Trái Đất. Do ma sát mạnh với không khí nên nhiệt độ bề mặt của vẫn thạch khi bay xuống có thể lên tới hàng nghìn độ.
Dưới nhiệt độ cao như vậy nên bề mặt của nó bị chảy ra và hóa thành chất lỏng. Thế nhưng sau khi gặp phải tầng không khí gần mặt đất dày đặc ngăn cản nên tốc độ của nó giảm dần, bề mặt nguội đi và tạo thành một tầng vỏ mỏng gọi là lớp vỏ nóng chảy.
Lớp vỏ nóng chảy cực kỳ mỏng, thường chỉ khoảng 1 mm, có màu đen, hoặc nâu đen. Trong quá trình nguội đi, do sự lưu động của không khí nền trên bề mặt của vẫn thạch sẽ bị lưu lại một lớp hằn gọi là dấu ấn không khí. Hình dạng của dấu ấn không khí giống như vân tay in trên bột khi nhào bánh.
Vẫn thạch mà ông Vinh nhặt được nặng tới 2355 gram, có vết cháy rõ ràng, đường vân đẹp mắt, rất có giá trị nghiên cứu khảo cổ, khoa học và sưu tầm.
Sau khi thông tin được công bố, Công ty TNHH Truyền thông Bảo Nghệ Thượng Hải đã liên hệ với ông Vinh để 'mượn' khối vẫn thạch tham gia vào buổi triển lãm có tên "Tinh phẩm nhã tập" do họ tổ chức, và sẽ đưa ông số tiền lên tới tới 1 triệu NDT (khoảng 3,5 tỷ VND) - gọi là 'phí mượn tạm' vẫn thạch.
Ông Vinh cho biết ông rất bất ngờ và có chút hoảng hốt với lời đề nghị với mức giá "khủng" như vậy.
Ông cũng chia sẻ thêm mình quả thực rất may mắn khi tình cờ tìm thấy "vị khách đặc biệt" đến từ không gian này và hứa sẽ đưa khối vẫn thạch tới tham dự triển lãm để mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Theo Nguyệt Phạm/ Toquoc