Ông Thomas Karlsson, người đàn ông đam mê thể thao định hướng đã vô tình tìm thấy một kho báu từ thời kỳ đồ đồng khi đang đi trắc đạc một khu rừng gần thị trấn Alingsås ở Tây Nam Thụy Điển.
Một phát hiện ngoạn mục với hơn 50 món đồ, từ dây chuyền, vòng tay đến ghim quần áo, có niên đại từ 2.500 đến 2.750 năm, vào thời kỳ đồ đồng, ở trong tình trạng mà chuyên gia đánh giá là cực tốt.
Người tìm thấy kho báu, ông Thomas Karlsson, chia sẻ: "Ban đầu tôi tưởng chúng là sắt vụn vì thấy một vật giống như là chiếc đèn bàn cũ vứt đi vậy, nhưng khi nhìn gần hơn thì mới biết là mấy đồ cổ vật, cụ thể là một vài món trang sức. Dù bám đầy đất cát, tôi có thể thấy chúng còn rất mới, mới đến mức tôi nghĩ chúng là đồ mĩ ký bị bỏ lại, nhưng vẫn còn nghi ngờ về giá trị của chúng nên tôi đã báo cáo và nhờ các chuyên gia khảo cổ đến kiểm định".
Theo các nhà khảo cổ học, những món đồ này đã được để lại một cách có chủ đích, như là những vật tế dường dành cho một hay nhiều vị thần, hoặc để làm vốn liếng cho cuộc sống mới sau khi chết.
Các nhà khảo cổ học Thụy Điển cũng tiết lộ rằng rất hiếm khi tìm thấy một kho báu kiểu vậy trong rừng, bởi lẽ các bộ lạc xưa thường chôn lễ vật ở các vùng đầm lầy hoặc thả trôi sông. Tuy nhiên, kho báu này lại được tìm thấy ở một vị trí lộ thiên ngay trên nền đất, bên cạnh những tảng đá. Các chuyên gia đoán rằng có lẽ một số động vật đã tò mò và đào bới những món đồ này lên khiến chúng lồ lộ và "mời gọi" để được tìm thấy như vậy.
Giáo sư Johan Ling, giảng viên khảo cổ học tại Đại học Gothenburg, đồng thời là một thành viên trong nhóm chuyên gia, cho biết: "Những món trang sức bao gồm các loại dây chuyền, kiềng, quần áo và kim bấm có niên đại từ năm 750-500 trước Công nguyên, tất cả đều ở trong tình trạng cực kỳ tốt. Hầu hết được làm bằng đồng, có vẻ đây là một hộp châu báu thuộc về một người phụ nữ có địa vị vào thời kỳ đồ đồng".
Ông Johan Ling cũng nhấn mạnh đây là một trong những khám phá thời đại đồ đồng lớn nhất được từng được biết đến ở Thụy Điển.
Theo luật pháp Thụy điển, khi phát hiện cổ vật, người tìm thấy có trách nhiệm phải thông báo cho cảnh sát hoặc chính quyền địa phương vì chúng được coi là tài sản nhà nước. Sau đó, Ủy ban Di sản quốc gia sẽ đưa ra quyết định có trao thưởng cho người tìm thấy cổ vật hay không.
Về vấn đề này, ông Thomas Karlsson (người tìm thấy số cổ vật) cho hay: "Được thưởng thì tốt, không thì cũng không sao. Điều quan trọng với tôi là được góp phần giúp chúng ta khám phá thêm về lịch sử nhân loại, về thời đại đồ đồng mà hiểu biết của chúng ta vẫn còn rất hạn chế do không có tài liệu ghi chép cụ thể nào."
Theo Thùy Linh/ Phapluatbandoc