Tiềm năng phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo
Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Vì thế, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.
|
Hệ thống điện mặt trời được lắp trên mái nhà xưởng tại một công ty giúp doanh nghiệp dùng năng lượng xanh. Ảnh: Mai Loan.
|
Trao đổi với phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống, TSKH Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết, chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn…
Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn năng lượng tái tạo trong đó năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng, hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chính phủ Việt Nam đã khẳng định và cam kết rất mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.
Theo Kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia, đến 2050, hệ thống năng lượng, hệ thống điện Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng. Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam bao gồm: Điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, khai thác tối đa điện từ năng lượng tái tạo.
Định hướng ưu tiên phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo
Việt Nam đã xem xét các thách thức về tính bền vững một cách nghiêm túc. Tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố cam kết của quốc gia về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ cũng đã đưa ra cam kết quốc gia về việc giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính so với mức trong kịch bản thông thường vào năm 2030 và có thể tăng lên 27% khi có sự hỗ trợ của quốc tế thông qua hợp tác song phương và đa phương.
|
Turbine điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: Wiki. |
Để phù hợp với cam kết giảm phát thải của đất nước, Chính phủ đã có những nỗ lực quyết tâm trong việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII của quốc gia cho sự phát triển của ngành Điện trong 25 năm tới, với sự thay đổi lớn có lợi cho năng lượng tái tạo. Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện lực quốc gia (Quy hoạch điện 8).
Theo đó, hệ thống điện Việt Nam sẽ phát triển theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại COP26 đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và việc phát phát triển điện từ gió, mặt trời tiếp tục được khai thác tối đa, hiệu quả với giá hợp lý. Cơ chế đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp cũng đang được đề xuất xem xét.
Theo dự thảo Quy hoạch điện 8, hàng chục ngàn MW nhiệt điện than được đề nghị loại khỏi quy hoạch, với phương án điều hành, phụ tải cao và chuyển đổi năng lượng, đến năm 2045 tỷ lệ điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng 50% tổng công suất toàn hệ thống.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Quy hoạch điện 8 đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển hạ tầng điện lực, đảm bảo cung cấp điện năng ổn định cho cả nền kinh tế quốc dân. Quy hoạch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và thủy điện nhỏ; đồng thời, giảm dần sự phụ thuộc vào các dự án điện than và khí nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực đến môi trường.
Từ các cam kết tại COP26, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện kế hoạch hành động Quốc gia tăng trưởng xanh. Một loạt các chương trình, đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo đã và đang được chỉ đạo thực hiện, nghiên cứu. Trong đó, hướng đến ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước.
Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Mục tiêu trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo là tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050,… Ngoài ra, cần ban hành đồng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về năng lượng tái tạo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thủy điện tích năng, nghiên cứu hệ thống lưu trữ điện năng, để tạo cơ hội cho phát triển điện gió và mặt trời, vận hành an toàn ổn định hệ thống điện; sớm ban hành quyết định cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp DPPA.
Cùng với kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo để sản xuất chuỗi sản phẩm thiết bị năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Mai Loan