Vào mùa hè, tại một trong những điểm đến nổi tiếng nhất trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ, các nhân viên của một khu nghỉ dưỡng đang miệt mài thực hiện một hành động kì lạ: "Đắp chăn" lên trên các sườn núi đầy băng tuyết.
Hành động này đương nhiên không phải để cho vui. Những lớp phủ đặc biệt này có thể giảm thiểu, thậm chí ngăn khả năng hấp thụ nhiệt, góp phần làm chậm tốc độ tan chảy của sông băng trên dãy núi Alps.
"Chúng tôi trải những lớp phủ bảo vệ làm bằng polyester trên sông băng như một lá chắn bảo vệ tự nhiên", Gian Darms, người quản lý điều kiện tuyết và an ninh đường trượt tuyết cho công ty điều hành cáp treo Titlis Bergbahnen, nói với Reuters.
Nhân viên của nhà điều hành cáp treo Titlis Bergbahnen đắp chăn lên các phần của sông băng để bảo vệ nó khỏi bị tan chảy. Ảnh:REUTERS / Arnd Wiegmann
Ngọn núi Titlis cao 3.238 mét (10.623 ft) đã chứng kiến những tảng băng lớn biến mất khỏi sông băng trong những thập kỷ gần đây. Trong vòng nửa thế kỷ tới, tất cả chúng dự kiến sẽ tan chảy hoàn toàn. Không thể đứng ngoài cuộc, người dân địa phương đã quyết định phải làm điều gì đó để cứu lấy sông băng trước khi nó có thể tan chảy hoàn toàn.
Theo Reuters, một số nhân viên của Titlis Bergbahnen đã làm việc từ 5 đến 6 tuần để che phủ các phần của sông băng bằng các tấm phủ polyester màu trắng. Lớp phủ được ghép lại từ nhiều lớp nhỏ hơn, có chiều dài 70m và chiều rộng 5m
Chúng sẽ phản xạ lại bức xạ Mặt Trời vào khí quyển, khiến nhiệt độ bề mặt của sông băng được duy trì ở mức thấp. Điều này giúp ngăn chặn sự tan chảy của băng vào mùa hè, đồng thời bảo vệ lượng tuyết đã rơi vào mùa Đông vừa qua.
Trong những năm gần đây, công ty điều hành cáp treo Titlis Bergbahnen đã phải liên tục tăng kích thước của lớp phủ, vốn được đặt trên sông băng, để bảo tồn những gì còn sót lại. Theo đó, họ đã phủ được một diện tích rộng 100 nghìn mét vuông, tương đương với kích thước của 14 sân bóng đá. Tất nhiên, công việc ‘phủ chăn’ chỉ được thực hiện vào các tháng mùa Hè. Trước khi vào mùa Đông, các tấm phủ polyester này sẽ được gỡ ra.
Lượng tuyết phủ ngày càng suy giảm do biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên khắp châu Âu.
Chính phủ Thụy Sĩ cho biết 90% trong số 1.500 sông băng còn lại của nước này sẽ biến mất vào cuối thế kỷ 21 nếu chúng ta không làm gì để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Với riêng việc ‘đắp chăn’ cho sông băng, đây vẫn là một giải pháp mang tính tạm thời. Khi xu hướng nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng, giải pháp phản xạ ánh sáng Mặt Trời chỉ có làm chậm tốc độ băng tăng chứ không thể ngăn chặn tình trạng này hoàn toàn.
Theo Anh Việt/Pháp luật & Bạn đọc