"Vị thế" của con người trong chuỗi thức ăn chỉ tương tự như loài lợn nhà

Google News

Con người từng được coi là "kẻ săn mồi hàng đầu", nhưng ngày nay "vị thế" của chúng ta trong chuỗi thức ăn thực sự khá thấp.

Con người không đứng đầu chuỗi thức ăn tất nhiên không có nghĩa là con người sẽ bị đe dọa bởi nhiều loài khác, mà là lợi thế sinh tồn của chúng ta trong tự nhiên không phải là kẻ đứng đầu. Sư tử, sói xám và cá mập trắng lớn đều là những kẻ săn mồi hàng đầu. Chế độ ăn của chúng hầu hết là thịt, và những loài động vật này hầu như không có kẻ thù tự nhiên - ngoại trừ con người. Ngay cả khi chúng ta là kẻ thù tự nhiên của tất cả các động vật ăn thịt hàng đầu, chúng ta có đứng đầu chuỗi thức ăn không?

Trước khi trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu điều gì quyết định vị trí của một loài trong chuỗi thức ăn.

Ảnh minh họa.

Theo quan điểm sinh thái, vị trí của con người trong chuỗi thức ăn không phụ thuộc vào động vật nào ăn thịt được chúng ta, cũng không phụ thuộc vào động vật nào không ăn thịt chúng ta mà phụ thuộc vào việc chúng ta ăn gì. Mặc dù con người có thể giết gần như tất cả các động vật ăn thịt hàng đầu, nhưng dựa trên nguyên tắc sinh thái, miễn là con người không ăn chúng và coi chúng là thức ăn chính, con người sẽ không thể đứng trên chúng trong chuỗi thức ăn. Đây là lý do tại sao con người không đứng đầu chuỗi thức ăn.

Vị trí của một loài trong chuỗi thức ăn được gọi là bậc dinh dưỡng, và nói chung không vượt quá 5 bậc. Thực vật và các sinh vật có thể lấy năng lượng từ tự nhiên và sản xuất chất hữu cơ, chiếm cấp độ dinh dưỡng đầu tiên. Động vật ăn cỏ chiếm bậc dinh dưỡng thứ hai. Động vật ăn thịt chỉ ăn động vật ăn cỏ có bậc dinh dưỡng cấp 3, v.v ... nếu loài A ăn loài B thì bậc dinh dưỡng của loài A cao hơn loài B một bậc. Đối với các sinh vật ăn tạp, vì thức ăn của chúng đến từ nhiều cấp độ dinh dưỡng, nên cấp độ dinh dưỡng của chúng cần được xem xét cùng nhau. Ví dụ, 50% thức ăn của một loài đến từ thực vật và 50% thức ăn từ động vật ăn cỏ thì mức dinh dưỡng của nó là 2,5.

Năm 2013, các nhà khoa học thuộc Viện Phát triển Biển của Pháp (IFREMER) đã công bố mức độ dinh dưỡng của con người trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Theo dữ liệu từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, họ phát hiện ra rằng, trung bình 80% lượng calo một người tiêu thụ đến từ thực vật và 20% đến từ thịt. Mức dinh dưỡng tương ứng là 2,21, nằm giữa cá cơm và lợn nhà. Tuy nhiên, trên thế giới, mức độ dinh dưỡng của con người dao động rất lớn. Năm 2009, 96,7% lượng calo mà người Burundi tiêu thụ từ thực phẩm đến từ thực vật, và mức dinh dưỡng của người dân nước này (nằm ở Đông Phi) giảm xuống còn 2,04. Đồng thời, 50% lượng calo mà người Iceland tiêu thụ đến từ thịt, với mức dinh dưỡng khoảng 2,57.

Tất nhiên, con người là mối đe dọa đối với các loài khác. Một số nhà khoa học cho rằng con người đang tạo áp lực quá lớn lên các loài khác để tồn tại, khiến chúng ta trở thành "siêu động vật ăn thịt". Một bài báo năm 2015 được xuất bản trên tạp chí Science đã so sánh hiệu quả săn bắn của thợ săn, ngư dân và các động vật trên cạn và biển khác, và phát hiện ra rằng con người săn mồi nhanh hơn 14 lần so với các động vật khác.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học không đồng ý với việc sử dụng thuật ngữ "siêu động vật ăn thịt", họ tin rằng thuật ngữ này dễ bị nhầm lẫn với "động vật ăn thịt hàng đầu". Trong sinh thái học, kẻ săn mồi có một định nghĩa rõ ràng: kẻ săn mồi sẽ ăn thịt con mồi mà chúng giết. Đơn giản là giết con mồi và ăn thịt mồi ăn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Trong nhiều trường hợp, việc giết động vật hoang dã của chúng ta không xuất phát từ việc tìm kiếm cái ăn để sinh tồn. Ví dụ, nguyên nhân chính khiến số lượng sư tử giảm đi là do môi trường sống của chúng bị phá hủy và sau đó là xung đột với con người: con người không muốn sư tử làm hại mình, cũng không muốn sư tử gây ra mối đe dọa cho đàn gia súc của họ nên đã săn và giết chúng. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cá và Thủy sản năm 2017, những ngư dân đánh bắt xa bờ sẽ vứt bỏ 10% đến 20% lượng cá đánh bắt được vì đó không phải là loại thủy sản mà họ muốn đánh bắt. Theo Cục Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ, những con vật vô tình bị bắt này thường bị thương hoặc bị giết. Do đó, có ý kiến cho rằng nên sử dụng thuật ngữ "siêu tiêu dùng" để thay thế.

Nhưng vào thời cổ đại, con người gần như ăn thịt tất cả những sinh vật mà họ giết. Ben-Dor và các đồng nghiệp đã xem xét nghiên cứu về sinh lý học, di truyền học, khảo cổ học và cổ sinh học của con người, đồng thời tái tạo lại cấp độ dinh dưỡng của tổ tiên loài người hiện đại trong kỷ Pleistocen (2,6 triệu đến 11.700 năm trước).

Họ kết luận rằng từ hơn 2 triệu năm trước cho đến cuối Kỷ Băng hà cuối cùng cách đây 12.000 năm, con người có thể là những kẻ săn mồi hàng đầu và chỉ ăn thịt. Nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí Nhân chủng học Sinh học Hoa Kỳ. Nghiên cứu này tin rằng cấu trúc sinh lý của con người gần với cấu trúc sinh lý của loài ăn thịt. Axit trong dạ dày của chúng ta có thể phá vỡ các protein phức tạp và tiêu diệt vi khuẩn có hại. Tỷ lệ chất béo trong cơ thể cao hơn cũng có thể làm cho chúng ta có thể tiếp tục tồn tại mà không cần bắt mồi trong một khoảng thời gian.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng việc phân tích các đồng vị nitơ khác nhau trong di vật người cổ đại cho thấy tỷ lệ một số đồng vị sẽ tăng lên cùng với sự gia tăng tiêu thụ thịt. So với những người chủ yếu ăn thực vật, tỷ lệ các đồng vị nitơ này trong móng tay và tóc của người cổ đại cao hơn. Về bản chất, đây là một bằng chứng khác cho thấy con người cổ đại ăn nhiều thịt hơn.

Vì vậy, từ thời cổ đại đến thời hiện đại, vị trí của con người trong chuỗi thức ăn không tăng lên mà giảm xuống. Ben-Dor và các đồng nghiệp đã tóm tắt một số lý do. Họ tin rằng nguyên nhân chính là sự tuyệt chủng của các loài động vật lớn như voi ma mút lông cừu. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ công cụ cho phép con người chế biến thực phẩm với nhiều phương tiện phức tạp hơn, chẳng hạn như chế biến gạo bằng công cụ đá, cho phép con người ăn nhiều thực vật hơn.

Ngay cả khi chúng ta từng ăn thịt và có vị trí cao hơn trong chuỗi thức ăn, điều này không có nghĩa là con người hiện đại ở vị trí cao hơn trong chuỗi thức ăn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn dễ dàng tìm ra bằng chứng cho thấy dù sao chúng ta cũng đã từng là một kẻ săn mồi hàng đầu.

Ngược lại, sự phát triển không ngừng của nền văn minh nhân loại đã làm giảm cấp độ dinh dưỡng của con người. Săn bắn không thể nuôi sống nhiều người, và sự phát triển của nông nghiệp có thể nuôi sống nhiều người hơn. Xét cho cùng, việc chuyển giao năng lượng giữa các cấp dinh dưỡng luôn đi kèm với sự mất mát lớn.

Loài người tiếp tục hạ thấp mức dinh dưỡng, mặc dù không còn đứng đầu chuỗi thức ăn và không còn được hưởng danh hiệu "động vật ăn thịt hàng đầu", nhưng kết quả là toàn bộ nhân loại đã đạt được sự phát triển vượt bậc. Suy cho cùng, thứ chúng ta muốn chỉ là được ăn và thưởng thức những món ăn ngon, chứ không phải để kiếm được danh xưng "top đầu của chuỗi ẩm thực".  

Theo Đức Khương/Báo Tổ quốc