Ứng dụng robot vào phòng chống dịch Covid-19
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, sở dĩ Covid-19 có tỷ lệ tỷ vong lớn tại Trung Quốc và Ý là do sự quá tải của hệ thống y tế, cả về con người lẫn phương tiện máy móc.
Để giải quyết tình trạng trên, Trung Quốc đã phát triển những con robot có khả năng mang đồ ăn hay đo thân nhiệt để đưa vào sử dụng trên thực tế.
Trong bối cảnh này, GS Nguyễn Văn Kính đề xuất Chính phủ nên chọn một công ty để giao nhiệm vụ phát triển các mẫu robot dịch vụ để hỗ trợ cho công tác phòng dịch. Trong đó, 2 loại robot cần được phát triển ngay là robot lau rửa bề mặt và robot hỗ trợ việc khám chữa bệnh.
|
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo GS Nguyễn Văn Kính, tất cả giọt bắn khi ho đều rơi xuống mặt sàn, vì thế bề mặt của các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là phòng của bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần liên tục được làm sạch và khử khuẩn.
Tại Việt Nam, công việc này vẫn chủ yếu được thực hiện một cách thủ công bởi các nhân viên y tế. Do đó, rất cần thiết phải phát triển những con robot có khả năng lau rửa bề mặt để giảm áp lực cho hệ thống y tế, đồng thời chống nguy cơ lây nhiễm trong trường hợp tiếp xúc gần với mầm bệnh.
Với robot hỗ trợ việc khám chữa bệnh, đó có thể là những mẫu robot có khả năng đo thân nhiệt, mang cơm tới phòng các bệnh nhân nhiễm Covid đang được cách ly,...
Các hướng nghiên cứu để đối phó với Covid-19
Sau khi phát triển thành công các bộ KIT test xét nghiệm Covid-19, các nhà khoa học cần có hướng nghiên cứu lâu dài để đối phó với dịch bệnh này.
Theo GS Nguyễn Văn Kính, “người mang” có thể đem theo mầm bệnh hàng tháng, do vậy, không thể nói 5 hay 3 tháng là kết thúc dịch bệnh. Rất có khả năng Covid-19 sẽ phát triển trở thành 1 căn bệnh thường niên giống như cúm mùa. Chính vì thế, giải pháp về lâu về dài là Việt Nam phải nghiên cứu phát triển vắc xin để phòng chống dịch bệnh.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà khoa học Đức đang có những bước tiến xa nhất trong việc điều chế vắc xin phòng chống Covid-19. Tuy vậy, do còn phải thử nghiệm trên động vật, trên người sau đó trải qua quá trình cấp phép, phải mất ít nhất 16-18 tháng nữa những liều vắc xin đầu tiên mới có thể xuất hiện.
|
Nhóm nghiên cứu bộ KIT test xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y |
Chia sẻ thêm, GS Nguyễn Văn Kính cho biết, một thử nghiệm lâm sàng được thực hiện ở Vũ Hán đã lấy huyết thanh của những người mắc Covid-19 truyền lại cho các bệnh nhân nguy kịch. Kết quả cho thấy tỷ lệ khỏi bệnh là 10%, thấp hơn nhiều nếu so với tỷ lệ cứu sống 60% của Ebola cũng với phương pháp tương tự. Điều này cho thấy tỷ lệ kháng thể trong máu người bệnh rất thấp, không đủ để trung hoà được virus.
Do đó, GS Nguyễn Văn Kính đề xuất việc tinh chế gamma probolin ở những người từng mắc Covid-19 hoặc tiêm kháng thể trên các động vật lớn để có được lượng huyết thanh nhiều hơn, từ đó tạo ra kháng thể và dùng nó để điều trị cho những ca bệnh nặng.
Trọng Đạt/Theo ICTNews