Ngày 29/10, Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam xác định phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá cho phát triển và là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mai Loan.
|
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đó là hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.
Theo đó đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam. Xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.
Việt Nam cũng có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc)... Đặc biệt, vào tháng 9 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thăm Việt Nam và nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Chỉ sau đó 1 tuần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm Hoa Kỳ. Trong đó có nội dung làm việc rất quan trọng với Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) và nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn.
Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại Hòa Lạc (Hà Nội), TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành bán dẫn trong việc thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển của các bên liên quan", Bộ trưởng cho hay.
Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ về vai trò của đầu tư trọng điểm đối với nghiên cứu khoa học". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan