Cụ Nguyễn Đình Phương. sinh năm 1910, tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cụ có 10 người con, hiện 6 người con của cụ vẫn còn sống. Người cao tuổi nhất là 82 tuổi và người con út của gia đình cũng đã ngoài 70 tuổi. Hôm chúng tôi đến thăm nhà, các con của cụ cũng tề tựu đông đủ. Mái tóc ai cũng đã bạc trắng cả rồi, nhưng có một điểm chung là họ rất khỏe mạnh.
Đôi bàn chân Giao Chỉ còn sót lại
|
Đôi chân cụ Phương mang đặc trưng của bàn chân Giao Chỉ. Ảnh: Linh Nhi |
Năm nay đã bước sang tuổi 107, nhưng nom cụ Phương còn khỏe lắm. Nước da hồng nhuận, mái tóc bạc trắng như cước. Đôi tai dài và dày như tai Phật, khuôn mặt bình thản tựa một cao nhân đắc đạo. Có điều đặc biệt là khi ngồi, cụ thường duỗi thẳng 2 chân ra, chứ ít khi khoanh chân vì cái bàn chân to quá. Lần đầu nhìn đôi
bàn chân Giao Chỉ xòe rộng ra như cái quạt của cụ, ai cũng ngạc nhiên. Ngón cái và các ngón chân khác cách nhau một khoảng rộng. Có lẽ cụ là người duy nhất mà các nhà sản xuất giày dép lừng danh cũng không đáp ứng được. Con cháu cụ đã cất công đi nhiều nơi hỏi mua giày cho cụ nhưng không nơi nào có. Những năm trước đây, cụ thường đi chân đất tung hoành khắp nơi.
"Từ khi tôi lớn lên đến giờ, bố tôi chỉ một lần duy nhất phải đi viện trị bệnh. Từ đó đến nay, tôi chưa thấy cụ ốm bao giờ. Là người có hơn 100 cháu, chắt, chút, nhưng cụ chưa phải nhờ đến con cháu làm việc gì".
Ông Nguyễn Đình Thân
Mấy năm gần đây, cụ Phương mới chịu ngồi nhà để con cháu chăm sóc. Cụ vẫn tự đi lại quanh nhà và chưa phải nhờ con cháu phục vụ chuyện ăn uống. Trí nhớ cụ còn rất minh mẫn, cụ vẫn có thể kể tên từng người con, đứa cháu trong nhà.
Theo ông Nguyễn Đình Thân, người con trai thứ tư của cụ Phương, món ăn cụ thích nhất là cơm nếp ép chặt. Cụ thường ăn cơm nếp chấm với nước mắm và ăn chuối. Cụ có thể ăn cơm nếp cả tháng. "Từ khi tôi lớn lên đến giờ, bố tôi chỉ một lần duy nhất phải đi viện trị bệnh. Từ đó đến nay, tôi chưa thấy cụ ốm bao giờ. Là người có hơn 100 cháu, chắt, chút, nhưng cụ chưa phải nhờ đến con cháu làm việc gì" - ông Thân cho biết.
Cụ Phương có sức khỏe vô cùng dẻo dai. Suốt cả cuộc đời, cụ chịu khó làm lụng, lo cho các con cháu. Cụ Phương thường kể với con cháu, những năm trước đây, cụ thường gánh gạo, gánh đậu đi bán ở tận thành phố Bắc Ninh. Cụ đi bộ rất giỏi. Từ nhà đến chợ khoảng 25-30km mà cụ vẫn đủ sức gánh 50kg gạo trên vai. Cụ đi từ sáng đến tối mới về.
Vượt qua mấy chục cây số, cụ Phương đi chân trần chứ không có giày dép. Đơn giản vì đôi chân của cụ xòe ra như cái chổi, nên không có loại giày, dép nào cụ có thể đi vừa. Từng ngón chân tõe ra đúng như bàn chân của người Giao Chỉ. Cụ Phương kể, mẹ và cô ruột của cụ đều có bàn chân như thế. Có lẽ do đôi bàn chân của cụ xòe rộng nên cụ đi bộ rất khỏe và không bao giờ bị vấp ngã. 10 người con của cụ không ai có đôi bàn chân như thế. Cách đây mấy năm, người con trai của cụ sang Malaysia du lịch, và đã tìm được mua được một đôi dép ngoại cỡ về biếu bố. Tuy nhiên, để cụ đi vừa, các con vẫn phải dùng kéo khoét mõm đôi dép ra thành 2 cái lỗ. Từ đó cụ Phương mới có dép để đi.
Tuy có 4 người con trai, nhưng cụ Phương lại thích ở với người con gái út. Cụ Phương bảo: "Ở với con gái chăm sóc chu đáo và nhẹ nhàng hơn. Hơn nữa con gái rất hiểu ý bố, chỉ cần nói một mà nó đã hiểu mười".
Gia đình cách mạng
Gia đình cụ Phương có truyền thống nho học và có công với cách mạng. Suốt những năm tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, gia đình cụ đều có người tham gia. Cụ Phương là con út trong gia đình, nên được các anh giao nhiệm vụ ở nhà lo nhang khói cho tổ tiên.
Cụ Phương bảo, cụ rất yêu ruộng đồng. Cụ làm từ sáng cho đến tối mịt mới ngơi nghỉ chân tay. Tinh thần chịu thương, chịu khó và vượt lên nghịch cảnh của cụ là nguồn động viên giúp con cái của cụ ăn học thành người.
6 người con còn sống của cụ đều được ăn học đến nơi đến chốn và rất thành đạt. 4 người tham gia ngành y, 1 người là kiến trúc sư xây dựng và 1 người tham gia chính quyền. Hiện giờ cụ sống quây quần với con cháu. Bí quyết sống thọ của cụ là sống vui, sống khỏe, luôn quan tâm, yêu thương đến mọi người. Cụ Phương mới rụng 3 cái răng, nhưng hiện giờ 3 cái răng đó đang mọc lại.
Những câu chuyện mà cụ Phương kể tựa như một pho sử sống của vùng đất Thuận Thành. Cuộc đời cụ đã trải qua nhiều biến chuyển của lịch sử, nên cụ rất thấm thía cái giai đoạn bị mất nước. Cụ Phương kể, giặc Pháp lập đồn bốt dọc sông Đuống rồi án ngữ ở những ngã ba đường trọng yếu. Người dân sống rên siết với sưu cao, thuế nặng. Cụ còn bị chúng bắt đi làm nông phu, gánh thóc, gánh gạo. Người dân sống dưới sự kiểm soát gắt gao. Bất chấp hiểm nguy, gia đình cụ luôn là địa chỉ an toàn cho các cán bộ cách mạng trú chân. “Trong ngôi nhà gỗ, tôi có làm một gian nhỏ rất kín phía trong. Cán bộ cách mạng được bảo vệ bí mật trong đó. Nhiều khi toán lính đội đến nhà, chúng lục soát khắp căn nhà tôi mà không thể tìm được căn phòng bí mật kia” - cụ Phương hào hứng kể.
Mỗi khi kể về những ngày Cách mạng tháng Tám hào hùng năm xưa, cụ Phương như khỏe ra. Dân Kinh Bắc có đặc điểm là bất chấp hiểm nguy vẫn cứ tham gia hoạt động cách mạng, một lòng yêu nước, quyết đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Bà con luôn là hậu phương vững chắc để làm hậu thuẫn cho bộ đội đánh đồn bốt. Những năm sau này, có lúc bị hiểu nhầm, nghi ngờ về thành phần gia đình, nhưng cụ Phương vẫn một lòng tin vào cán bộ, tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Mấy người con trai của cụ noi gương bố, bất chấp gian khó vẫn hoạt động cách mạng, sau này tham gia chiến đấu ở các chiến trường. Cụ thường bảo với các con, phận làm trai thời nào cũng phải gánh vác cả việc nước và việc nhà. Nước mà chưa yên thì chưa thể lo được việc nhà. Nhất nhất các con phải chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cả bản thân để bảo vệ quê hương...
Thấm lời dạy của cha, các con của cụ đều luôn nỗ lực trong thời bình, tham gia làm kinh tế, xây dựng quê hương.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Dân Việt