Tết Nguyên đán đang cận kề, nhiều người lại cất công đi săn lùng những
tờ tiền có số seri "đẹp" để lì xì với hy vọng đem lại may mắn cho người
nhận. Điều này liệu có cơ sở?
Ý nghĩa của những con số
TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng cho rằng: "Có nhiều quan niệm về ý nghĩa của những con số".
Ông Khanh dẫn giải: Một trong số những quan niệm về ý nghĩa của các con số cho rằng số 1 là số của các vị thần thánh, của hoành đồ. Số 2 tượng trưng cho "có đôi có cặp", thể hiện sự cân bằng âm - dương, kết hợp tạo thành nguồn gốc của vạn vật. Số 3 là con số vững chắc như thế "kiềng ba chân".
Số 4 theo quan niệm của người Việt thì không đẹp vì gắn với quy luật “Sinh - Lão - Bệnh - Tử” thì nó thuộc về “Tử”. Số 5 tương ứng với ngũ hành. Số 6 là gấp đôi của số 3, như thế sẽ càng may mắn, thuận lợi. Số 7 là con số có sức mạnh kỳ diệu ("Thất Tinh" - 7 ngôi sao, "Thất Kiếm" - 7 thanh kiếm), có tác dụng đẩy lùi ma quỷ.
Số 8 là 8 điều bất tử trong đạo Lão và bát chánh trong Phật giáo, gương bát quái cũng nhằm để xua đuổi ma quỷ. Số 9 là con số của hạnh phúc, may mắn và nhiều người thích số này hơn cả vì nó tiệm cận đến sự viên mãn, tròn đầy, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ tiếp tục sinh sôi, phát triển chứ không chững lại như số 10.
|
Ảnh minh họa. |
Số đẹp, số xấu và số thiêng
Dưới góc độ văn hóa, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng, các con số luôn hàm chứa những ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn, với người Trung Quốc thì số 4 gần với chữ "tử" nên họ coi là số xấu. Với họ thì các số 6, 8 và 9 tượng trưng cho sự may mắn, an lành. Còn với người Việt lại chuộng những số lẻ hơn là số chẵn.
Ông lý giải: Theo quan niệm, giống như tất cả mọi vật trong thiên nhiên, con số có tính âm và tính dương khác nhau. Thường thì những số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) được coi là những con số dương và những số chẵn (2, 4, 6, 8) lại được coi là những số âm. Trong đó, dương tính được coi như một biểu hiện của sự phát triển và tăng trưởng, đem lại may mắn hơn; còn số âm thì ngược lại. "Chẳng thế mà khi làm cầu thang, người ta kiêng số bậc chẵn mà thường làm số bậc lẻ", ông cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thịnh thì việc phân định số đẹp - số xấu ấy chỉ có tính chất tương đối bởi "vẫn có những số lẻ nhưng hàm ý không may mắn". Chẳng hạn số 3, 5, 7, 23, 49, 53. "Bởi dân gian vẫn có câu "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba", "Mùng năm, mười bốn, hai ba/Đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn". Riêng hai số 49 và 53 thì quan niệm dân gian cho rằng đó là hai "hạn" nặng nhất đời người.
Ông cũng cho biết thêm, bên cạnh quan niệm số đẹp, số xấu thì người Việt cũng có quan niệm về con số thiêng. Chẳng hạn số 9 được coi là số đẹp nhất trong dãy số từ 1 đến 10. Thời phong kiến, con số này được dành cho các bậc vua chúa. Số 18 cũng là một số thiêng - tương ứng với 18 triều đại Hùng Vương. Hay số 100 tương ứng với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng... "Như vậy, theo quan niệm thì các con số thực sự có linh hồn", ông nói.
"Tuy nhiên, trong quan điểm của Phật giáo thì không có số tốt - xấu cũng như ngày tốt - xấu. Do đó, tùy vào từng dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo mà quan niệm số đẹp - xấu cũng có những khác biệt", ông Thịnh khẳng định.
Cách tính số theo ngũ hành và bát quái
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Tuấn Kiệt, Công ty Cổ phần Phong thủy Việt Nam cho rằng: Tính danh học (chữ viết) và con số luôn song hành với nhau, bản chất cùng phản ánh thế giới thực. Con số thiên về định lượng còn chữ viết thì thiên về định tính.
Tuy nhiên, văn hóa phương Đông quan niệm thế giới vật chất trừu tượng hơn khi chia vật chất thành 5 dạng là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (Thuyết Âm dương ngũ hành, phản ánh bản chất thế giới). Đồng thời, thế giới vật chất còn được phản ánh thông qua bát quái (thể hiện sự tương tác giữa các năng lượng với nhau). Kinh dịch chia bát quái thành các mô hình là Tiên thiên bát quái và Hậu thiên bát quái. Chính vì thế mà các con số trong văn hóa phương Đông cũng phản ánh âm dương và bát quái.
Từ số 0 đến số 9 chia thành 5 loại vật chất, đồng thời cũng tạo thành các con số tượng trưng cho bát quái. Cụ thể: Số 0 không thuộc quẻ nào; Số 1 thuộc hành Thủy, quẻ Khảm, phương Bắc; Số 2 thuộc hành Thổ, quẻ Khôn, phương Tây Nam
Số 3 thuộc hành Mộc, quẻ Trấn, phương Đông; Số 4 thuộc hành Mộc, quẻ Tốn, phương Đông Nam; Số 5 là Trung cung, không thuộc quẻ nào; Số 6 thuộc hành Kim, quẻ Càn, phương Tây Bắc; Số 7 thuộc hành Kim, quẻ Đoài, phương Tây; Số 8 thuộc hành Thổ, quẻ Cấn, phương Đông Bắc; Số 9 thuộc hành Hỏa, quẻ Ly, phương Nam.
Như vậy, mỗi con số ứng với một quái khác nhau, tùy thuộc cách nhìn nhận ở công thức nào (Tiên thiên bát quái, Hậu thiên bát quái hay Ngũ hành).
Theo cách tính này thì hoàn toàn có thể xác định được số đẹp, số xấu đối với mỗi người. Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Tuấn Kiệt, việc xác định số đẹp - xấu này đang được người ta áp dụng tràn lan, theo "phong trào" mà không hề biết rằng số có thể "đẹp" với người này nhưng lại không "đẹp" với người kia.
"Ý nghĩa của các con số được ứng dụng khá phổ biến trong đời sống. Nó cũng có cơ sở nhất định và thuộc về đức tin của mỗi người. Do đó, không thể nói rằng nên hay không nên. Vấn đề ở chỗ, nhiều người do chưa hiểu thấu đáo nên áp dụng máy móc, cứ thấy số nào người ta cho là "đẹp" cũng cố "rinh" cho bằng được, ví như số điện thoại "lộc phát" (có đuôi là 68) mà không hề biết rằng cái đó là không có cơ sở".
TS Vũ Thế Khanh |
An Nhiên