Sáu dự án thuộc nhóm 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ đã có chuyển biến tích cực. Dự kiến, trong năm nay, sẽ hoàn thành phê duyệt và tổ chức xong việc triển khai các phương án khắc phục, hết năm 2018 xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020, hoàn thành xử lý xong 12 dự án nghìn tỷ thu lỗ này.
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương chia sẻ như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra sáng nay, 14/7.
Hoàn tất phương án giải cứu 12 dự án cuối tháng 7
Ông Hưng cho biết, cuối tháng 7 này, Bộ Công Thương sẽ trình Ban Chỉ đạo của Chính phủ về việc xử lý những tồn tại, yếu kém tại một số dự án ngành công thương phương án chính thức “giải cứu” 12 dự án yếu kém, thua lỗ.
Đến thời điểm này, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng việc xử lý các dự án yếu kém này đã bắt đầu có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, theo ông Hưng, hiện 4 dự án sản xuất phân bón đã quay trở lại hoạt động sản xuất có hiệu quả hơn. Đó là các dự án nhà máy đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 1 (Hải Phòng) và DAP số 2 (Lào Cai).
Hai dự án sản xuất thép gồm Nhà máy thép Việt- Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên cũng được Bộ ghi nhận có chuyển biến tốt.
|
Nhà máy Đạm Ninh Bình có chuyển biến tích cực |
“Lãnh đạo Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp từng nhà máy, từ Giám đốc đến các phân xưởng, yêu cầu tiết giảm chi phí cụ thể. Ví dụ như ở nhà máy đạm, yêu cầu đơn vị phải lên kế hoạch cụ thể tiết giảm năm 2017 là bao nhiêu, tiết giảm năm 2018 là bao nhiêu…”, ông Hưng chia sẻ.
Quan điểm của Bộ Công Thương là không chờ đợi, làm sao để các dự án đang sản xuất thì phải đạt hiệu quả hơn, các dự án ngừng sản xuất thì bằng mọi cách phải khởi động lại, làm các dự án tốt lên, xử lý triệt để các tồn tại, vướng mắc rồi mới thoái vốn, chuyển vốn hay thực hiện giải pháp khác. Từng Tập đoàn, Tổng công ty, chủ đầu tư, nhà máy… phải nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa hoạt động sản xuất.
Trước đó, đối với 6 dự án có tiến triển này, Bộ Công Thương cho hay, nhà máy Đạm Ninh Bình đã hoạt động trở lại vào tháng 1 năm nay, đạt 85% công suất, sau 6 tháng dừng hoạt động. Nhà máy thép Việt - Trung đã bắt đầu chuyển từ lỗ sang lãi. Tháng 3 vừa qua, nhà máy này đã lãi 28,4 tỷ, từ đó giúp giảm lỗ của quý I/2017 xuống còn mức lỗ 39,9 tỷ đồng, giảm 85% so với số lỗ quý I/2016 (lỗ 272,25 tỷ).
Tại Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã hoàn tất việc rút 1.000 tỷ đồng ra khỏi dự án.
Đối với Nhà máy bột giấy Phương Nam, ông Dương Duy Hưng cho biết, các cơ quan chức năng đã lên phương án để tổ chức bán đấu giá tài sản và toàn bộ hàng hóa tồn kho của nhà máy này theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Sẽ cho phá sản 2 dự án
Trong số 12 dự án nghìn tỷ, việc giải cứu, xử lý 5 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) gặp khó khăn nhiều hơn.
Tại buổi làm việc với PVN mới đây, thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng cũng yêu cầu lãnh đạo PVN và các đơn vị thành viên phải quyết liệt hơn nữa xử lý 5 dự án này.
Cụ thể, đối với 3 dự án là dự án xăng sinh học Ethanol Dung Quất, dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước và dự án Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), Bộ Công Thương đưa ra quan điểm phải khởi động lại dự án sau đó hợp tác với đối tác để thoái vốn, chuyển nhượng vốn. Việc hồi sinh lại dự án xăng sinh học cũng nhằm đảm bảo lộ trình thay thế xăng khoáng, sử dụng xăng sinh học E5 từ ngày 1/1/2018 theo lộ trình Chính phủ quy định.
Với 2 dự án còn lại là dự án Ethanol Phú Thọ và dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Bộ Công Thương thống nhất phương án là dừng dự án và tiến hành phá sản công ty, đồng thời đề nghị PVN làm việc với cổ đông để thực hiện lộ trình này.
Trước đó, cuối tháng 3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý khắc phục các tồn tại yếu kém ở 12 dự án đã làm việc với Bộ Công Thương và lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty. Ban chỉ đạo dự kiến lộ trình xử lý là hết năm nay, sẽ hoàn thành phương án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức xong việc triển khai các phương án khắc phục, hết năm 2018 xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020, hoàn thành xử lý xong 12 dự án này.
12 dự án nghìn tỷ kém hiệu quả bao gồm: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam; Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất; Nhà máy đạm Ninh Bình; Dự án đạm Hà Bắc; Dự án đạm DAP Lào Cai; Dự án DAP Hải Phòng; Dự án Ethanol Bình Phước; Dự án Ethanol Phú Thọ; Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất; Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.
Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án: 43.673,63 tỷ đồng sau điều chỉnh tăng 45,65% lên mức 63.610,96 tỷ đồng: vốn chủ sở hữu là 14.350,04 tỷ đồng (chiếm 22,56%), vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng (chiếm 74,6%) còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.
Tổng số lỗ luỹ kế tính đến hết ngày 31/12/2016 của 10 nhà máy lên tới 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu là 3.985,14 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngân hàng VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.
Theo Phạm Huyền/Vietnamnet