Tọa lạc tại khu vực giao lộ Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt, Q.1, Saigon One Tower được xem là một trong những dự án có vị trí đắc địa nhất TP.HCM. Dự án được xây dựng trên khu đất 6.672m2, quy mô 5 tầng hầm, 3 tầng kỹ thuật và 41 tầng cao.
Theo quảng cáo, đây là tổ hợp chung cư, văn phòng và thương mại cao cấp với điểm nhấn là quán bar ngoài trời lớn nhất Việt Nam. Có vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng, Saigon One Tower từng được kỳ vọng sẽ trở thành toà nhà mang tính biểu tượng của thành phố.
|
Saigon One Tower có vị trí đắc địa (Ảnh: Hoàng Giám) |
Chủ đầu tư ban đầu của Saigon One Tower là CTCP Sài Gòn One Tower. Đây là liên danh gồm CTCP M&C, PNJ, Saigontourist, DongA Bank và Công ty TNHH Chứng khoán Đông Á.
Dự án được khởi công năm 2007, dự kiến sẽ hoàn thành sau 2 năm.
|
Mặt kính của mặt toà nhà hướng từ Q.4 nhìn về Q.1 được thay vào năm ngoái. (Ảnh: Hoàng Giám) |
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai ì ạch, đến năm 2011, dự án Saigon One Tower chính thức tạm dừng thi công dù đã xây dựng xong phần thô.
Thời điểm đó, nhiều thông tin cho rằng toàn bộ dự án Saigon One Tower là tài sản thế chấp cho khoản vay của chủ đầu tư tại MSB và DongA Bank. Tính đến năm 2017, cả gốc và lãi lên đến 7.000 tỷ đồng, trở thành khoản nợ xấu.
|
Dự án từng được kỳ vọng là toà nhà mang tính biểu tượng của TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Giám) |
Tháng 8/2017, Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã thu giữ dự án Saigon One Tower để xử lý khoản nợ của chủ đầu tư. Một năm sau, VAMC ra thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá dự án với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng.
Buổi đấu giá vẫn chưa được diễn ra thì năm 2020, CTCP Di sản Quốc tế Hồ Tràm, doanh nghiệp được thành lập năm 2019 với vốn điều lệ vỏn vẹn 300 triệu đồng, gây chú ý dư luận khi xin đầu tư dự án này.
Tuy vậy, theo thông tin vào cuối năm 2019, vốn thực góp của các cổ đông công ty này chỉ 10 triệu đồng, tổng tài sản công ty gần 9 triệu đồng.
|
Dù thay tên nhưng dự án IFC One Saigon vẫn chỉ là khối bê tông không khác gì so với chục năm trước. (Ảnh: Hoàng Giám) |
Hy vọng hồi sinh dự án Saigon One Tower đến vào năm 2021 khi CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land (Viva Land) bất ngờ xuất hiện với vai trò là đơn vị phát triển dự án. Tên thương mại của dự án cũng được đổi thành IFC One Saigon.
Viva Land là doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, do bà Trương Mỹ Lan làm chủ. Ngoài IFC One Saigon, Viva Land được quảng bá là đơn vị phát triển hàng loạt dự án bất động sản quy mô tại TP.HCM như Waterfront Saigon, Q.1; D4 DVD, Q.4; Sài Gòn Peninsula, Q.7; Diamante, TP. Thủ Đức…
|
Viva Land, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, xuất hiện với vai trò phát triển dự án này vào năm 2021. (Ảnh: Hoàng Giám) |
Sau khi “về tay” Viva Land, trên các diễn đàn đã xuất hiện thông tin các căn hộ tại dự án IFC One Saigon rục rịch giao dịch với mức giá 1 tỷ đồng/m2.
Vào tháng 8/2022, công trường dự án xuất hiện công nhân thi công trở lại. Nhiều người cho rằng dự án đã được tái khởi động sau hơn chục năm “đứng hình”.
|
Sau khi thay kính, dự án IFC One Saigon vẫn chưa được xây dựng lại. (Ảnh: Hoàng Giám) |
|
Việc xử lý dự án phải chờ sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: Hoàng Giám) |
Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP.HCM thông tin, dự án chỉ được thay lớp kính bên ngoài đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị. Các hạng mục bên trong toà nhà, chủ đầu tư vẫn chưa được thi công do dự án đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Đến nay, dự án IFC One Saigon vẫn chỉ là khối bê tông nằm phơi nắng mưa.
Theo Anh Phương/VietNamnet