Thời gian qua có không ít đại gia gốc Việt lập nghiệp và thành danh trên đất Mỹ.
Tỷ phú Chính Chu
Trong giới đầu tư tài chính Mỹ, tỷ phú Chính Chu là cái tên quen thuộc mà mỗi khi nhắc đến ai cũng phải kiêng nể. Vị đại gia gốc Việt sinh năm 1966 này là chồng ca sĩ Hà Phương – em gái của ca sĩ Cẩm Ly.
Năm 1975, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Tại đây, ông vừa học vừa đi bán sách lẻ và giao hàng tận nhà. Dù có bằng cử nhân Tài chính tại Đại học Buffalo - một trường công tại New York (Mỹ) nhưng 15 lá đơn xin việc của ông đều bị từ chối vì ngôi trường này không có danh tiếng
|
Tỷ phú Chính Chu trong một lần xuất hiện trên Bloomberg. Ảnh: Bloomberg |
Năm 1990, cơ hội đến với Chính Chu khi ông được “đầu quân” cho tập đoàn tài chính Blackstone. Với sự tư vấn của Chính Chu, Tập đoàn Đầu tư tài chính Blackstone đã hoàn thành nhiều vụ Đầu tư sinh lãi với giá hàng tỷ USD.
Cuối năm 2007, tỷ phú Chính Chu được nhiều tờ báo chú ý và được biết đến là "một thương nhân ẩn danh" khi chi 34,3 triệu USD để mua trọn tầng 89, một nửa tầng 90 tại tháp Trump World Tower, khiến tỷ phú Donald Trump "nóng mặt".
Đáng chú ý, tỷ phú Chính Chu khiến phố Wall phải kiêng nể khi trở thành “đạo diễn” cho kế hoạch thu mua lại Tập đoàn máy tính Dell với giá khoảng 25 tỷ USD.
Năm 2015, tỷ phú Chính Chu rời Blackstone vì "muốn khám phá những thách thức mới". Báo chí Mỹ liệt ông Chính Chu là “người đàn ông đáng gờm” của phố Wall. Giới kinh doanh người Việt sống tại Mỹ đánh giá ông là một trong những người thành đạt trong cộng đồng.
Vị doanh nhân gốc Việt này đuợc cho là sở hữu khối tài sản lên tới 1,1 tỷ USD. Ông còn mua phi cơ riêng và trực thăng để di chuyển.
Tỷ phú Hoàng Kiều
Năm 2015, tỷ phú Hoàng Kiều được mọi người chú ý khi trở thành người giàu nhanh nhất trong top những tỷ phú mới nổi của Mỹ. Năm 2017, ông nằm trong top 400 tỷ phú giàu nhất thế giới theo công bố của Tạp chí Forbes cùng với tài sản 3 tỷ USD.
Ông Hoàng Kiều sinh năm 1944 trong một gia đình có truyền thống nho giáo ở Bích Khê, Quảng Trị. Sau sự kiện 30/4/1975, ông đã rời Việt Nam qua sinh sống tại Mỹ. Nhờ có vốn tiếng Anh tốt và các mối quan hệ, ông đã kiếm được một công việc trong phòng thí nghiệm của công ty Abbott với mức thù lao 1,25 USD/giờ.
|
Tỷ phú Hoàng Kiều. Ảnh: Forbes |
Sau vài năm làm tại Abbot, ông trở thành giám đốc phụ trách kiểm tra các mẫu huyết tương.
Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, Hoàng Kiều quyết định tự lập công ty riêng. Đến năm 1985, ông đã có 11 trung tâm huyết tương trên khắp nước Mỹ. Vài năm sau nữa, Hoàng Kiều mở rộng ra toàn cầu, cuối cùng tiến sâu vào thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, ông Hoàng Kiều không nằm trong danh sách tỷ phú USD của thế giới nữa nhưng ông cũng thành công khi xây dựng được công ty rượu vang Kiều Hoàng Winery nổi tiếng California.
Tỷ phú Triệu Như Phát
Sinh ra tại Hải Phòng, năm 7 tuổi, Triệu Như Phát theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1975, ông cùng vợ sang Mỹ định cư. Nhờ có vốn tiếng Anh nên ông dễ dàng tìm được công việc bán máy hút bụi tại California. Tuy nhiên, với đam mê làm giàu sẵn có, ông quyết tâm khởi sự kinh doanh cho riêng mình.
|
Triệu Như Phát - tỷ phú từ bất động sản. Ảnh: Internet |
3 năm sau khi đặt chân lên đất Mỹ (1978), ông chính thức khởi sự kinh doanh ngành bất động sản tại California khi thành lập Công ty Bridgecreek.
Từ khi thành lập đến nay, Bridgecreek đầu tư các dự án bất động sản với tổng trị giá lên đến 400 triệu USD. Trong đó, có Khu thương mại Phước Lộc Thọ (còn mang tên tiếng Anh là Asian Garden Mall) đóng vai trò trung tâm thương mại quan trọng của người châu Á tại Mỹ.
Năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó là ông George Bush chỉ định doanh nhân Triệu Như Phát vào Ban giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Sau đó, ông trở thành Giám đốc của VEF.
Video: Chặng đường thành tỷ phú của CEO hãng Apple. Nguồm: VTV24
Hoàng Minh (tổng hợp)