DN nhỏ khó khăn
Trong thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn mới đây, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính lập Quỹ bảo lãnh cho vay DN vừa và nhỏ với số tiền 100.000 tỷ đồng để bảo lãnh tín dụng cho các DN, không cần tài sản đảm bảo là bất động sản. Trong đó, DN phải chứng minh hoạt động tốt trước dịch (có báo cáo tài chính lành mạnh); phải có hợp đồng, đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới để được nhận bảo lãnh.
Hiện nay, DN nhỏ và vừa chiếm gần 98% trong tổng số các DN tại Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay các DN đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn tiền để duy trì và khôi phục lại hoạt động sau thời gian giãn cách kéo dài.
|
Nhiều DN nhỏ gặp khó khăn về vốn. |
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, hơn 90.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể, trong đó phần lớn là các DN nhỏ và vừa. Còn theo khảo sát do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), thực hiện giữa 8/2021 với sự tham gia của 21.517 DN, hộ kinh doanh, có 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Hầu hết trong số này là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, hơn 40% DN chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng và 46% đủ tiền để duy trì từ 1-3 tháng. Điều này cho thấy nếu không có hỗ trợ, thì khả năng giải thể là rất cao.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận xét, dịch Covid khiến thế giới tổn thất nặng nề về tài chính. Nhiều quốc gia phải tung ra những gói tài trợ chưa từng có tiền lệ cho nền kinh tế, như Mỹ tài trợ tới 6.000 tỷ USD, Nhật Bản xấp xỉ 2.500 tỷ USD, các nước châu Âu và Đông Nam Á cũng có các gói hỗ trợ rất lớn. Các Chính phủ thường hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động và DN.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, bình quân thế giới chi gói hỗ trợ cho nền kinh tế, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid bằng 16% GDP. Với các nước đang phát triển khoảng 7% GDP. Việc triển khai rất nhanh gọn, thời gian tính bằng tháng. Họ chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng.
Tại Việt Nam, từ khi dịch Covid bùng phát, đã có gói hỗ trợ về vốn và tín dụng cho các DN, bao gồm cho vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất vay... thông qua ngân hàng. Gói hỗ trợ vốn và tín dụng mặc dù đã giải ngân cho DN, nhưng vẫn còn chậm do những yêu cầu về thủ tục. Tỷ lệ DN tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp. Ngoài ra, DN không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn.
Khẩn trương cứu DN
Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10/2021 các giải pháp về cấp bù lãi suất, để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN. Gói cấp bù lãi suất này dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương quy mô khoản tín dụng hơn 100.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay chỉ từ 3-4%/năm, sẽ được các ngân hàng “bơm” ra nền kinh tế để hỗ trợ người dân và DN.
Tuy nhiên, điều quan tâm của giới chuyên môn là làm thế nào để DN tiếp cận được gói hỗ trợ này. Theo luật các tổ chức tín dụng, muốn vay vốn, DN phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo và không có nợ xấu.
|
Cần khẩn trương có một khoản tái cấp vốn để cho vay mới. |
Như vậy, những DN khó khăn đang tạm ngừng hoạt động, sẽ không thể đáp ứng được. Điều kiện cho vay của ngân hàng là không đổi, ngân hàng không thể tự ý giảm chuẩn được, muốn giảm chuẩn phải có một quy chế cho phép họ làm điều đó.
Nếu giảm chuẩn cho DN dễ vay, ví dụ như không cần tài sản đảm bảo, khi có rủi ro sẽ xử lý thế nào. Chẳng hạn một DN vay ngân hàng 100 triệu đồng, kỳ hạn một năm, lãi suất 7%/năm, được ngân sách hỗ trợ 3% lãi vay. Khi vay, sau một năm sẽ phải trả 104 triệu đồng cả gốc lẫn lãi và ngân sách trả cho ngân hàng 3 triệu đồng tiền lãi.
Nhưng DN này gặp khó khăn, đến hạn không có khả năng trả nợ thì ngân hàng có nguy cơ mất 104 triệu đồng, chỉ thu được 3 triệu đồng hỗ trợ từ ngân sách. Khoản tiền mất kia sẽ được giải quyết như thế nào, ai là người chịu trách nhiệm? Để xây dựng được cơ chế đặc biệt, giúp các DN tiếp cận dễ dàng lại không ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng, không phải là chuyện không đơn giản. Trong khi đó, các DN đã rất khó khăn, không thể chờ đợi lâu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần khẩn trương có một khoản tái cấp vốn để cho vay mới. Cần hình thành ngay một quỹ bảo lãnh hoạt động theo cơ chế mới, chứ không phải quỹ bảo lãnh DN hiện có. Nếu cho vay mà vẫn đòi tài sản đảm bảo, sẽ không có DN nào tiếp cận được. Vì vậy, gói tái cấp vốn này sẽ dành một khoản tiền từ ngân sách, để quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN vay.
Một trong những điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo DN tiếp cận được vốn mới là bảo lãnh 100% cho vay tín chấp. Đồng thời, phải có điều kiện hết sức mở, làm theo thủ tục rút gọn nhanh nhất có thể, nếu cứ theo trình tự quy định pháp luật sẽ rất lâu mới ra được quỹ, khi đó các DN "chết" cả rồi.
Nguồn tiền lấy ở đâu, theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, Bộ Tài chính buộc phải vay, phải phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng trung ương. Các quốc gia khác cũng đều làm như vậy.
Một khảo sát của VCCI cuối năm 2019 khi chưa có dịch Covid cho thấy, có 86% doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể vay vốn ngân hàng nếu không có tài sản thế chấp; 63% cho rằng lãi suất và các điều kiện cho vay luôn khó khăn,...Khi dịch Covid diễn ra, việc tiếp cận vốn vay còn khó khăn hơn. Một số ngân hàng có tâm lý ngần ngại khi cho DN nhỏ và vừa vay vì lo ngại DN không có khả năng trả nợ. Điều này khiến DN bế tắc trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Trần Thủy/Vietnamnet