Ai giàu nhất trong 4 tỷ phú đô la của Việt Nam?

Google News

Trong khi tài sản của 2 tỷ phú đô la là Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Thị Phương Thảo tăng chóng mặt kể từ đầu năm 2018, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát Group – cũng đã âm thầm gia nhập CLB tỷ phú đô la.

Đứng đầu trong tốp 5 tỷ phú giàu có nhất sàn chứng khoán vẫn là tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, với tổng giá trị cổ phiếu VIC do ông nắm giữ tính đến 31/1 là 132.567 tỷ đồng, tương đương 5,84 tỷ USD.
Chủ tịch Vingroup hiện đang sở hữu 1.541.476.532 cổ phiếu VIC. Trong đó, ông sở hữu trực tiếp 723.969.134 cổ phiếu, và sở hữu gián tiếp 817.507.398 cổ phiếu thông qua việc sở hữu 93% cổ phần của CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
 
Giá cổ phiếu VIC đã tăng 11% trong tháng 1/2018, đồng nghĩa với việc tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng thêm 11% chỉ trong vòng 1 tháng đầu năm.
Đứng thứ hai trong danh sách này vẫn là tỷ phú trẻ Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, với khối tài sản quy ra cổ phiếu trị giá 56.576 tỷ đồng, tương đương 2,49 tỷ USD.
Ông Trịnh Văn Quyết hiện đang sở hữu 2.630.000 cổ phiếu ART của CTCK Artex; 135.187.150 cổ phiếu FLC; và 318.514.630 cổ phiếu ROS. So với cuối năm 2017, tài sản của ông Quyết có hao hụt 127 tỷ đồng do giá cổ phiếu ROS giảm mạnh. Tuy nhiên, ROS vừa có phiên tăng giá ngoạn mục trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 1 với mức tăng kịch trần lên 174.400 đồng/cổ phiếu.
Vị trí thứ ba không thay đổi với gương mặt quen thuộc là nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Chủ tịch HDBank đang có 34.198 tỷ đồng, tương đương 1,50 tỷ USD. Con số này đã tăng chóng mặt 58% kể từ cuối năm 2017.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang sở hữu 35.961.580 cổ phiếu HDBank, 39.559.095 cổ phiếu VJC qua hình thức trực tiếp, và gián tiếp sở hữu 128.950.134 cổ phiếu VJC thông qua sở hữu 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.
 
Trong khi đó, người giàu thứ tư, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đã chính thức trở thành tỷ phú đô la thứ 4 trên sàn chứng khoán với tổng giá trị cổ phiếu HPG do ông nắm giữ tính đến 31/1 là 23.771 tỷ đồng (1,048 tỷ USD). Ông Long hiện đang nắm giữ 381.557.138 cổ phiếu HPG. Với kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2017, giá cổ phiếu này đã tăng 33% so với cuối năm 2017, đồng nghĩa với việc tài sản của ông Trần Đình Long tăng 33% chỉ trong vòng 1 tháng.
Như vậy, ông Trần Đình Long đã bỏ xa người đứng sau ông trong tốp 5 người giàu nhất trên sàn chứng khoán là ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT CTCP Vicostone. Tính đến 31/1, tổng giá trị cổ phiếu VCS do đại gia gốc Nam Định nắm giữ là 13.354 tỷ đồng (589 triệu USD), giảm 3% so với cuối năm 2017.
 
Ông Hồ Xuân Năng nắm giữ 59.617.897 cổ phiếu VCS, trong đó ông nắm giữ gián tiếp 57.600.000 cổ phiếu thông qua việc sở hữu 90% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A.
Vị trí thứ 5 của ông Hồ Xuân Năng có thể bị thay thế bởi ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Công ty Địa ốc Nova. Với việc sở hữu gần 146 triệu cổ phiếu NVL, tổng tài sản của đại gia bất động sản này hiện đang là 11.701 tỷ đồng (516 triệu USD), tăng 23% kể từ cuối năm 2017.
Trong khi đó, ông Đoàn Nguyên Đức, người được nhắc đến cùng sự thành công của đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam, đang đứng thứ 23 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn chứng khoán với tổng giá trị tài sản (thông qua nắm giữ cổ phiếu HAG) là 2.663 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xếp hạng người giàu nhất trên sàn chứng khoán không phản ánh đúng bảng xếp hạng những người giàu nhất Việt Nam. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, dù chỉ nắm giữ vỏn vẹn 10 cổ phiếu MSN, nhưng ông lại được cho là người giàu thứ 3 tại Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
 
Tuy chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu của tập đoàn Masan, nhưng ông Quang vẫn được coi là ông chủ thực sự của tập đoàn này, dựa trên vị thế là là cổ đông chính của của Công ty Cổ phần Masan (Masan Corp) - công ty đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group.
Theo Hiền Anh/Infonet